Ngày 28/11, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp trả lời VnExpress về thiệt hại, bài học trong mưa lũ miền Trung, kế hoạch tái thiết sản xuất.
- Ông đánh giá như thế nào về thiệt hại do thiên tai gây ra tại miền Trung trong tháng 10-11?
- Thiên tai ngày càng khốc liệt, chưa bao giờ bão lũ miền Trung khủng khiếp như vừa rồi. 249 người chết, 57 người mất tích, hơn 1.500 ngôi nhà bị sập đổ; gần 240.000 ngôi nhà khác bị hư hỏng, tốc mái.
Nông nghiệp tổn thương nghiêm trọng với 4.000 ha lúa, 7.600 ha hoa màu, 12.670 ha nuôi thủy sản bị thiệt hại; 38.500 gia súc, 3.200.000 gia cầm bị chết; 165 km đê biển, cửa sông, 50 km kè bị hư hỏng; 88 điểm sạt lở bờ biển với tổng chiều dài là 141 km. Tổng thiệt hại ước tính 30.000 tỷ đồng.
Đó chỉ là những con số thống kê chưa đầy đủ. Đợt bão lũ để lại hậu quả lâu dài mà không thể tính toán được hết bằng con số. Bao nhiêu người mất đi sinh kế, phải rời bỏ quê hương. Tôi đi thực tế, chứng kiến nhiều gia đình vừa thoát nghèo, đang khá lên, bị lũ cuốn đi tất cả, trở về tay trắng, có nơi như trở về thời kỳ đổ đá. 10 năm nữa cũng chưa phục hồi như trước đây được. Dù nhà nước có cấp ngay 30.000 tỷ đồng vẫn không thể tái thiết được như cũ.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp. Ảnh: Tất Định.
- Kế hoạch tái thiết sản xuất của ngành nông nghiệp đang được thực hiện như thế nào?
- Chúng tôi phối hợp với 6 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi) chịu ảnh hưởng nặng nhất thực hiện giai đoạn khẩn cấp, phục hồi ngay để đáp ứng mức sống, sinh hoạt tối thiểu của người dân.
Sau lũ, người dân cần nhất là nước sạch, vệ sinh tẩy uế môi trường, chúng tôi kêu gọi các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, hỗ trợ lắp đặt 4.000 thiết bị lọc nước cho các hộ dân ở 30 xã; sửa chữa công trình nước sạch, nhà vệ sinh của các trường học, trạm y tế bị xuống cấp.
Bộ đã hộ trợ giống cây trồng, vật nuôi miễn phí, cử chuyên gia xuống địa phương tập huấn kỹ thuật. Để nhanh chóng có thu nhập, Bộ khuyến khích người dân trồng những loại cây rau ngắn ngày và nuôi gia cầm, thủy cầm. Với sự trợ giúp của nhiều tổ chức xã hội, doanh nghiệp và địa phương, những công việc này đang được thực hiện rất nhanh chóng.
Một người đàn ông ở xã An Xá, Lệ Thủy, Quảng Bình đứng trước ngôi nhà mình sau trận lũ tháng 10. Ảnh: Ngọc Thành.
Chúng tôi đang tính toán kỹ việc khôi phục hạ tầng sản xuất nông nghiệp, thủy lợi. Mưa lũ khiến hệ thống trạm bơm bị ngâm nước, bồi lắng, kênh mương, đê kè, sạt lở, ảnh hưởng đến vụ sản xuất đông xuân tới, việc này cần làm nhanh. Theo nguyên tắc tài chính, công trình lớn cấp trung ương làm, công trình nhỏ địa của địa phương. Nhưng địa phương không thể làm hết vì đang rất khó khăn.
Tái thiết hạ tầng là lĩnh vực nhạy cảm nhất vì kinh phí lớn. Dư luận có thể nghĩ các ông này ném tiền vào sông vào bể. Có hạng mục tái thiết khó như sạt lở bờ sông, bờ biển. Tính sơ bộ 141 km bờ biển sạt lở, tối thiểu 50 tỷ mỗi km, làm ngay ngân sách không thể chịu nổi.
Chúng tôi sẽ cẩn trọng, ứng dụng khoa học công nghệ, ưu tiên khắc phục những công trình gần khu dân cư, thiết yếu trước, ví dụ sạt lở bờ biển ở Hội An.
Cá nhân tôi nghĩ nên đề xuất một số gói vay ODA ưu đãi để các tỉnh khắc phục khẩn cấp, với lãi suất thấp, thời hạn dài; với cơ chế nguồn vốn sẽ để trung ương cấp phát cho các địa phương.
- Sau đợt thiên tai liên tiếp, đâu là bài học kinh nghiệm cần rút ra trong công tác ứng phó, tìm kiếm cứu nạn?
- Tôi nghĩ chúng ta đã chống chịu tốt nhưng thiên tai quá khốc liệt. Nó vượt quá tầm tay của con người. Có ý kiến nói các ông phụ trách làm công tác phòng chống thiên tai hay nói quá để dọa nhưng tôi nghĩ không phải thế. Trước cơn bão mạnh như Molave hay Vamco, chúng ta chằng chống nhà cửa, sơ tán dân, kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú, dùng mọi biện pháp. Nhưng bão vào giật đến cấp 14 thì cũng chỉ biết tìm nơi ẩn nấp, nhìn nhau mà đợi bão qua.
Trong phòng chống thiên tai, dự báo thời tiết bất lợi cực kỳ quan trọng. Do ứng dụng, học hỏi mô hình quốc tế, dự báo bão trên biển đã tốt hơn. Nhưng dự báo mưa chưa sát gây khó khăn cho chỉ đạo điều tiết lũ. Có thời điểm dự báo lưu lượng lũ về hồ Tả Trạch 900 m3/s, thực tế tới 2.000 m3/s, như thế rất nguy hiểm.
Qua các vụ cứu hộ tàu Vietship 01 hay sạt lở đất cho thấy lực lượng cứu hộ của chúng ta chưa chuyên nghiệp, thiếu trang thiết bị, phương tiện đảm bảo an toàn, năng lực còn hạn chế.
Việc xử lý tuân thủ quy định phòng chống thiên tai cần làm nghiêm khắc hơn. Ban chỉ đạo đã có công điện khuyến cáo trong thời tiết mưa lũ không để công nhân xây dựng ở công trình. Trong khi đó thủy điện Rào Trăng 3 vẫn để công nhân ở lại trong khu vực nguy cơ cao, dẫn đến sạt lở đất.
Hiện trường vụ sạt lở đất ở xã Trà Leng, Nam Trà My, Quảng Nam ngày 29/10. Ảnh: Ngọc Thành.
Ngoài ra, các địa phương cần lưu ý thông tin cảnh báo thiên tai. Bản tin của địa phương phát lại bản tin chung chung, lũ lên mức độ báo động 2-3 mà không cảnh báo được cụ thể, nhà người dân ngập lên bao nhiêu. Được như vậy, người dân sẽ chủ động di dời, không phải lên mạng xã hội cầu cứu.
112 người chết, mất tích vì sạt lở đất, câu chuyện nguyên nhân rất dài. Nhiều nhà khoa học đã phân tích, tôi không nhắc lại nữa. Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra bản đồ cảnh báo sạt lở, với tỷ lệ tương đối lớn 1:50.000, cần phải chi tiết hơn. Việc di dời dân vùng nguy cơ sạt lở đất có thể làm tương tự như di dân ven biển khi bão vào. Địa phương không nhất thiết phải dựa vào bản đồ, thấy mưa nhiều, nguy cơ là sơ tán ngay.
- Theo ông, cần có những giải pháp gì để đảm bảo an toàn cho người dân sống chung lâu dài với thiên tai?
- Hiện các tỉnh trong giai đoạn làm quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, là thời điểm thuận lợi để chính quyền tính yếu tố thiên tai. Quy hoạch khu công nghiệp, vùng chăn nuôi tránh vùng trũng thấp. Xây dựng trường học, công trình công cộng tránh lũ, gió bão tốc mái.
Đối với mỗi gia đình ở miền Trung, khi xây dựng lại nhà sau đợt mưa lũ cần tính ngay đến mốc lũ, mái kiên cố tránh gió bão. Có thể tốn kém hơn, nhà nước hỗ trợ một phần và vận động thêm, song phải làm cho bằng được. Nhà tạm trận bão lớn lại san phẳng.
Một số nhóm từ thiện độc lập đã xây dựng được hơn 1.000 nhà nổi trong lũ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Bộ Xây dựng đã phối hợp triển khai hơn 4.000 nhà trong dự án với Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc. Chúng tôi nhận thấy đây là mô hình thiết thực với người dân vùng lũ và đang đưa ra quy chuẩn nhà để phát triển rộng hơn.
- Trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng thiên tai dị thường, chiến lược ứng phó lâu dài của Việt Nam trong thời gian tới cần tập trung vào những vấn đề gì?
- Chúng tôi đã xây dựng chiến lược phòng chống thiên tai Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2050 và đang xin ý kiến bộ ngành. Đây là chiến lược dài hạn, đã xét đến yếu tố cực đoan nhưng vẫn cần cập nhật thêm.
Tôi nghĩ cốt lõi vẫn phải lấy phòng ngừa làm chủ đạo, như tôi đã nói trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương phải tính đến yếu tố thiên tai.
Với điều kiện nước ta, khi có thiên tai, địa hình chia cắt, phương châm "4 tại chỗ" (gồm chỉ huy, lực lượng, vật tư, phương tiện và hậu cần tại chỗ) phải duy trì. Thực tế như sạt lở đất ở Trà Leng (Quảng Nam), lực lượng tại chỗ đã cứu được 50 người.
Các quốc gia chịu nhiều thiên tai như Nhật Bản, Philippines, người dân đều được tập huấn kỹ năng phòng tránh động đất, tránh trú bão. Chúng ta cần hướng đến xây dựng những cộng đồng an toàn, trong đó mỗi người dân tự trang bị kiến thức, kỹ năng phòng tránh thiên tai.
Tất Định thực hiện