VIỆN QUY HOẠCH THỦY LỢI MIỀN NAM

VIỆN QUY HOẠCH THỦY LỢI MIỀN NAM

VIỆN QUY HOẠCH THỦY LỢI MIỀN NAM

VIỆN QUY HOẠCH THỦY LỢI MIỀN NAM

VIỆN QUY HOẠCH THỦY LỢI MIỀN NAM

VIỆN QUY HOẠCH THỦY LỢI MIỀN NAM

Công bố Quy hoạch tổng thể thủy lợi đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng

Tác giả: TS Lương Quang Xô
Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam


Ngày 11/12/2012 tại Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ sẽ tổ chức Hội thảo công bố "Quy hoạch tổng thể thủy lợi đồng bằng sông Cửu Long  trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 25/9/2012. Nhân dịp này chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết tham luận tại Hội thảo của TS Lương Quang Xô về quy hoạch này.


QUY HOẠCH THỦY LỢI ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

 TRONG ĐIỀU KIỆN BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU - NƯỚC BIỂN DÂNG


I.  KHÁI QUÁT CHUNG.

1.1 Điều kiện tự nhiên.

Đồng bằng sông Cửu Long là phần cuối cùng của Châu thổ sông Mekong, bao gồm 13 tỉnh/thành là Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và T.P Cần Thơ; với tổng diện tích tự nhiên khoảng 3,96 triệu ha, chiếm 5% diện tích toàn lưu vực sông Mekong. ĐBSCL có nhiều lợi thế để phát triển, song cũng có không ít khó khăn do biến đổi khí hậu - nước biển dâng.

Đồng bằng sông Cửu Long có địa hình bằng phẳng hầu hết có cao độ trung bình từ 0,7-1,2 m. Dọc theo biên giới Campuchia cao hơn với cao độ từ 2,0-4,0 m, sau đó thấp dần xuống trung tâm đồng bằng với cao độ 0,8-1,2 m và chỉ còn 0,3-0,5 m ở khu vực giáp triều và ven biển.

 Đồng bằng sông Cửu Long ngoài các sông chính như sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Cỏ, Cái Lớn - Cái Bé và sông Giang Thành. Nhìn chung, tính về mật độ thì đủ để cấp nước, tiêu nước, thoát lũ, nhưng xét về khẩu độ thì chưa đủ do chưa được nạo vét thường xuyên, hàng năm bị bồi lấp, xói lở.

Đồng bằng sông Cửu Long nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, phân thành 2 mùa rõ rệt: Mùa khô bắt đầu từ tháng XII và kết thúc vào tháng IV năm sau. Lượng mưa bình quân năm ở ĐBSCL xấp xỉ 1.800mm, dải ven biển phía Tây từ Hà Tiên đến Cà Mau có lượng mưa lớn, từ 2.000-2.400 mm và dải trung tâm từ Châu Đốc đến Gò Công có lượng mưa thấp, từ 1.200-1.600 mm.

Chế độ thuỷ văn ở ĐBSCL chịu tác động trực tiếp của dòng chảy thượng nguồn, chế độ triều biển Đông, một phần của triều vịnh Thái Lan và phân thành 3 vùng chính: (i) Vùng ảnh hưởng chủ yếu từ dòng chảy lũ thượng lưu; (ii) Vùng ảnh hưởng lũ-triều; và (iii) Vùng ảnh hưởng triều là chính. Dòng chảy trên dòng chính MeKong chia thành hai mùa rõ rệt. Mùa lũ với lưu lượng max đạt 38.000-40.000m3/s, gây ngập khoảng 1,2-1,9 triệu ha, độ sâu ngập từ 0,5m-4,5m. Mùa kiệt lưu lượng min từ 2.000-2.400m3/s nên mặn 4 g/l xâm nhập sâu trên dòng chính từ 30-40 km, gây khó khăn cho việc cấp nước trong vụ Đông xuân và Hè Thu, nhất là vùng xa sông gần biển.

Nước mưa ở ĐBSCL hiện có chất lượng tốt, phục vụ cho sinh hoạt, trồng trọt và chăn nuôi. Nước sông Tiền, sông Hậu có chất lượng nước biến thiên theo mùa rõ rệt. Chất lượng nước dòng lũ tràn biên giới thường có hàm lượng phù sa nhỏ. ĐBSCL có nguồn nước dưới đất khá phong phú và chất lượng tốt.

1.2 Kinh tế xã hội.

a. Hiện trạng.

Dân số vùng ĐBSCL là 17,33 triệu người (chiếm 20,5% cả nước), mật độ trung bình 427người/km2. Tỷ lệ dân số nông thôn 75,7%. Thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Hiện nay, GDP bình quân đầu người trong toàn vùng khoảng 21,3 triệu đồng. ĐBSCL có khoảng 86% số dân trên 10 tuổi biết đọc và biết viết (toàn quốc 88,5%). Tỷ lệ học sinh trung học, cao đẳng và đại học chỉ đạt 0,15% (toàn quốc 0,36%).

Mạng lưới đường bộ có tổng chiều dài khoảng 22.800 km, trong đó Quốc lộ khoảng 2.471km, tỉnh lộ khoảng 3.400 km, Đường giao thông nông thôn khoảng 17.000 km. Ngoài ra, ĐBSCL có 28.600 km sông, kênh, rạch, trong đó có khoảng 13.000 km có khả năng khai thác vận tải (sâu trên 1m).

Đồng bằng sông Cửu Long có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, luôn đóng góp khoảng 53% tổng sản lượng lương thực, 65% sản lượng thuỷ sản nuôi trồng và 70% trái cây của cả nước. Năm 2011, diện tích lúa cả năm đạt 4.089 ngàn ha, với sản lượng 23,2 triệu tấn, xuất khẩu đạt 6,1 triệu tấn (đạt 3,1 tỷ USD), chiếm 90% lượng xuất khẩu gạo của cả nước.

Tổng diện tích có khả năng phát triển NTTS của vùng khoảng 1,37 triệu ha, trong đó nuôi mặn lợ 886.250ha (89% so với toàn quốc), nuôi nước ngọt khoảng 480.200ha (52% toàn quốc). Tổng diện tích đất có rừng 298.300 ha, trong đó rừng đặc dụng 62.360ha, rừng phòng hộ 47.300ha, rừng sản xuất 188.600ha.

Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp còn nhỏ lẻ phân tán, chủ yếu là chế biến nông sản và sửa chữa nhỏ. Thương mại, dịch vụ và du lịchchiếm khoảng 8,6% tổng kim ngạch cả nước, tốc độ tăng trưởng  bình quân 19,7%/năm, xấp xỉ mức tăng cả nước.

b. Định hướng phát triển kinh tế xã hội

- Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,7%/năm giai đoạn 2011-2015 và 8,6%/năm giai đoạn 2016-2020.

- Đến năm 2020 tỷ trọng nông nghiệp còn 30,5%; công nghiệp xây dựng tăng lên 35,6% và khu vực dịch vụ là 33,9%. 

- GDP bình quân đầu người đến năm 2020 khoảng 57,9 triệu đồng, tương đương 2.750-2.850 USD.

- Kim ngạch xuất khẩu bình quân giai đoạn 2016-2020 trên 11,5%/năm, đến năm 2020 kim ngạch xuất khẩu bình quân đầu người đạt trên 1.000 USD.

- Góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và giữ mức xuất khẩu khoảng 4-5 triệu tấn gạo/năm. Đồng thời, phải duy trì 1,85 triệu ha đất trồng lúa.

- Tỷ lệ tăng dân số của vùng bình quân giai đoạn 2011-2015 khoảng 0,8%/năm, giai đoạn 2016-2020 khoảng 0,85%/năm.

- Đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, đưa tỷ lệ đô thị hoá của vùng lên khoảng 28% vào năm 2015 và 34,2% vào năm 2020.

- Giảm tỷ lệ hộ nghèo của vùng bình quân 2-2,5%/năm.
- Đến năm 2020 trên 90% dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh.

- Phấn đấu đến năm 2015 trên 85%, đến năm 2020 trên 95% chất thải rắn tại các đô thị được thu gom, xử lý hợp vệ sinh.

- Xoá bỏ tình trạng ngập úng thường xuyên trong mùa mưa tại các đô thị.

- Bảo vệ hệ sinh thái biển và ven biển; hệ thống các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên.

- Giảm đến mức tối đa ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu - nước biển dâng và phát triển của thượng lưu.

II. CÁC NGHIÊN CỨU QUY HOẠCH THỦY LỢI VÙNG ĐBSCL.

Các nghiên cứu quy hoạch thuỷ lợi ĐBSCL được triển khai từ những năm cuối của thế kỷ 20. Các nghiên cứu về quy hoạch thủy lợi điển hình như sau:    

- Định hướng Quy hoạch thuỷ lợi ĐBSCL phục vụ cho việc phát triển nông nghiệp trong giai đọan 1986-1990 và định hướng đến năm 2000. Nghiên cứu đã đề xuất phân ĐBSCL thành 5 vùng thuỷ lợi là TGLX, TSH, TST, BĐCM, GSTSH và chia thành 120 tiểu vùng thuỷ lợi.

- Nghiên cứu Quy hoạch tổng thể ĐBSCL (VIE 87/031), do Chương trình phát triển của Liên hiệp quốc (UNDP năm 1990-1994) tài trợ.

- Quy hoạch lũ ĐBSCL (1994-1999) đã được Chính phủ phê duyệt tại hai quyết định 99 TTg (9/2/1996) và 144 TTg (ngày 21/6/1999). Nhìn chung, trải qua 3 trận lũ lớn xẩy ra liên tiếp trong các năm 2000, 2001 và 2002, các công trình kiểm soát lũ  xây dựng đã phát huy hiệu quả. Về cơ bản nội dung quy hoạch lũ đưa ra là phù hợp.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao nhiệm vụ cho Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam tiến hành lập quy hoạch tổng hợp thủy lợi Đồng bằng sông Cửu Long (2002-2005). Chính phủ đã phê duyệt tại quyết định 84/2006/QĐ-TTg ngày 19/4/2006 và các công trình phòng tránh thiên tai đã được xây dựng cả ở vùng ngọt lẫn vùng mặn, đáp ứng với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội.  

- Trước sự biến đổi khí hậu-nước biển dâng và sự phát triển của thượng lưu, đặc biệt là sự phát triển của thủy điện. Bộ cho tiến hành lập quy hoạch tổng thể thủy lợi ĐBSCL trong điều kiện BĐKH-NBD. Quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt theo quyết định số 1397/QĐ-TTg ngày 25/9/2012. 

III. NỘI DUNG PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH THỦY LỢI ĐBSCL TRONG ĐIỀU KIỆN BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU-NƯỚC BIỂN DÂNG.

3.1 Mục tiêu

- Tạo ra hệ thống thủy lợi, phục vụ sản xuất nông nghiệp trong tình hình mới, từng bước thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng; góp phần phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững.

- Xác định các chương trình, dự án ưu tiên và kế hoạch thực hiện giai đoạn 2012-2020 và định hướng đến năm 2050; đề xuất các vấn đề còn tồn tại cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung quy hoạch, nhất là trong điều kiện sử dụng nước thượng lưu sông Mê Công, tình hình biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

3.2 Hiện trạng thuỷ lợi

Tưới tiêu, cấp nước: Toàn ĐBSCL hiện có trên 15.000 km kênh trục và kênh cấp I; gần 27.000 km kênh cấp II; khoảng 50.000 kênh cấp III và nội đồng, 80 cống rộng trên 5 m (lớn nhất là cống, đập Láng Thé - Cần Chông 100 m; cống, đập Ba Lai 84 m), trên 800 cống rộng 2-4 m và hàng vạn cống, bộng nhỏ, trên 1.000 trạm bơm điện lớn và vừa, hàng vạn máy bơm nhỏ để chủ động tưới, tiêu. 

Kiểm soát lũ: ĐBSCL đã hình thành hệ thống đê và bờ bao với tổng chiều dài khoảng 13.000 km, trong đó có 7.000 km bờ bao chống lũ tháng 8 để bảo vệ lúa Hè-Thu. Ngoài ra, còn hơn 200 km đê bao giữ nước chống cháy cho các Vườn Quốc gia, rừng tràm sản xuất tập trung và các đê bao bảo vệ các thị trấn và thị tứ.

Kiểm soát mặn và triều cường: Vùng ven biển ĐBSCL đã xây dựng 450 km đê biển, 1.290 km đê sông và khoảng 7.000 km bờ bao ven các kênh rạch nội đồng để ngăn mặn, triều cường và sóng bão cho vùng ven biển.

Cấp nước sinh hoạt: Hầu hết ở các thị trấn, thị xã, thành phố ở ĐBSCL hiện được cấp nước sạch. Trong khi đó, dân cư vùng nông thôn chỉ được cấp nước hợp vệ sinh với tỷ lệ khoảng 40%.

3.3 Những thành tựu đạt được

Đã phục vụ tưới cho 1,4 triệu ha diện tích vụ Đông Xuân và Hè Thu, kiểm soát lũ đầu vụ Hè Thu, từng bước phục vụ ổn định cho lúa vụ Thu Đông. Đảm bảo ổn định cho dân cư vùng ngập lũ, kết hợp tạo nền đường giao thông và bố trí dân cư. Góp phần cải tạo các vùng phèn của Tứ Giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười và Bán Đảo Cà Mau. Cơ bản khống chế được tình trạng xói lở, bồi lắng; góp phần phòng chống cháy rừng tại các vườn Quốc gia.

3.4. Những tồn tại trong quy hoạch và phát triển thuỷ lợi ĐBSCL

- Công tác quản lý quy hoạch của địa phương còn nhiều hạn chế; Sự bất cập về kết hợp quy hoạch giữa các ngành và lĩnh vực.

- Trong vùng ngập lũ trung bình, theo quy hoạch lũ chỉ sản xuất 2 vụ lúa (ĐX-HT), lên bờ bao bảo vệ vụ Hè - Thu khi gặp lũ sớm (lũ tháng 8). Song trong những năm qua, diện tích bao đê kiểm soát lũ cả năm để sản xuất 3 vụ phát triển nhanh (vụ Thu-Đông), đặc biệt ở 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp.

- Vùng ven biển, nhiều chân ruộng được sản xuất 3 vụ (vụ Xuân-Hè), khiến việc cấp nước cho vùng ven biển gặp nhiều khó khăn, không ổn định.   

- Nhiều công trình thủy lợi thay đổi quy mô, nhiệm vụ thiết kế.

- Do nguồn vốn, các công trình thiếu đồng bộ, phát huy hiệu quả chưa cao.

- Công tác quản lý vận hành, duy tu bảo dưỡng chưa được chú trọng. Tập trung nhiều vào giải pháp công trình mà coi nhẹ giải pháp phi công trình.

- Hệ thống thủy lợi phục vụ chuyển đổi sản xuất, giải quyết yêu cầu đa mục tiêu còn nhiều bất cập, nhất là phục vụ cho nuôi trồng thủy sản nước lợ.

- Do đô thị hóa, phát triển các khu công nghiệp, gia tăng sử dụng phân bón thuốc trừ sâu và nước xả thải nuôi trồng thủy sản. 

- Hầu hết các công trình, hệ thống công trình chưa đủ năng lực để ứng phó với BĐKH-NBD.

IV. TÁC ĐỘNG CỦA BĐKH-NBD VÀ PHÁT TRIỂN THƯỢNG LƯU ĐẾN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG.

4.1 Biến đổi khí hậu - nước biển dâng

Theo “Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng ở Việt Nam” của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đối với vùng Nam bộ (trong đó có ĐBSCL), kịch bản phát thải trung bình, mực nước biển Đông vùng ĐBSCL tiếp tục tăng thêm 12 cm vào năm 2020, 17 cm vào năm 2030 và 30 cm vào năm 2050 (75 cm vào năm 2100).

4.2 Phát triển ở thượng lưu sông Mekong

Theo báo cáo của Uỷ hội sông Mekong, tình hình phát triển thuỷ điện trong thời gian tới như sau: (i) Tổng dung tích 6 hồ phía Trung Quốc đã và sẽ trữ 21 tỷ m3 (4,6%); (ii) Tổng dung tích 11 đập trên dòng chính hạ lưu Mekong cũng sẽ trữ 2,5 tỷ m3 (0,5%). Tổng tỷ lệ tích trữ của tất cả các hồ chứa thuỷ điện trong lưu vực (bao gồm cả dòng nhánh) chiếm 14,% dòng chảy sông Mekong.

Tổng hợp nhu cầu nước cho nông nghiệp của các nước thượng lưu, năm 2010 sẽ tăng so với 2000 là 10,9%, đến năm 2030 sẽ tăng lên 117% và 2050 tăng lên 160%.

4.3 Kịch bản BĐKH-NBD và phát triển ở thượng lưu

1. Kịch bản dòng chảy tại Kratie/Stungtreng

Tổng hợp các nghiên cứu, đánh giá của các tổ chức quốc tế, các kết quả chính thức của Ban Thư ký Mekong (tháng 4/2010), cân bằng các tác động do BĐKH, phát triển hồ chứa và gia tăng cấp nước ở tất cả các nước thượng lưu, kịch bản chung cho dòng chảy đến Kratie/Stungtreng cho các giai đoạn như bảng dưới.

Giai đoạn
2020
2030
2050
Dòng chảy mùa lũ (%)
+5
+10
+15
Dòng chảy mùa kiệt (%)
-5
-10
-20
2. Kịch bản nước biển dâng

Theo báo cáo của Bộ TN&MT, với kịch bản phát thải trung bình B2, vùng biển Đông của ĐBSCL sẽ có sự gia tăng mực nước biển trung bình như đã đề cập trên đây. Tuy nhiên, các diễn biến thuỷ triều biển Đông trong 50 năm qua cho thấy mực nước đỉnh triều có xu thế tăng cao hơn so với mực nước chân triều.

3. Dự báo các tác động đến ĐBSCL đến năm 2050      

- Diện tích ảnh hưởng mặn tăng từ 1,5 triệu ha lên 2,4 triệu ha

- Diện tích ngập tăng từ 1,9 triệu (năm 2000) ha lên 3,2 triệu ha, thời gian ngập tăng thêm 1,5 tháng và độ sâu ngập tăng thêm 0,5-0,7 m.

- Hầu hết các đường giao thông trong vùng ngập lũ sẽ bị ngập từ 0,2-0,6 m. Các nền và tuyến dân cư xây dựng theo QĐ của Chính phủ đều bị ngập.

- Các thị trấn, thị xã và thành phố của 13 tỉnh ĐBSCL đều bị ngập (ngoại trừ một số các thị trấn và thị tứ ven biển.

V. CÁC GIẢI PHÁP CHÍNH CỦA QUY HOẠCH.

5.1. Giải pháp tổng thể.

          - Tiếp tục đầu tư, xây dựng các công trình thủy lợi (ít bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu và nước biển dâng) đã được đề xuất theo Quyết định số 84/2006/QĐ-TTg ngày 19 tháng 4 năm 2006 của Thủ tướng Chính.

- Tiếp tục xây dựng và nâng cấp các cụm tuyến dân cư và bảo vệ các thị trấn, thị xã, thành phố trong vùng ngập do lũ và nước biển dâng.

- Thực hiện Quyết định số 667/QĐ-TTg ngày 27 tháng 5 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang; kết hợp tuyến đê biển vùng đồng bằng sông Cửu Long với đường giao thông ven biển.

- Kết hợp chặt chẽ các công trình thủy lợi, giao thông, dân cư trong tổng thể phát triển cơ sở hạ tầng chung nhằm đạt được hiệu quả cao trong đầu tư.

- Xem xét các tuyến giao thông nông thôn khi xây dựng mô hình nông thôn mới trong vùng ngập lũ.

- Nâng cấp và xây dựng mới tuyến đê sông đảm bảo yêu cầu thiết kế.

- Hạn chế lũ tràn từ biên giới vào vùng đồng bằng sông Cửu Long bằng hướng thoát lũ ra biển Tây (vùng Tứ giác Long Xuyên), sang sông Vàm Cỏ và qua sông Tiền (vùng Đồng Tháp Mười). Tận dụng khả năng trữ lũ, chậm lũ bằng các hệ thống kênh trục cắt ngang vùng lũ tạo nên, nhất là cho vùng Đồng Tháp Mười trong điều kiện lũ nhỏ và trung bình.

- Nâng cấp và làm mới các trục thoát lũ, dẫn nước, tiêu nước cho các vùng..

- Tăng cường khả năng trữ nước trên các sông lớn và trên hệ thống kênh rạch đảm bảo nguồn nước ngọt cấp cho toàn vùng ổn định và bền vững.

- Nâng cao các giải pháp phi công trình ứng phó với biến đổi khí hậu.

5.2. Giải pháp cho từng vùng
1. Vùng Tả sông Tiền (Đồng Tháp Mười và Đông Vàm Cỏ Đông)

- Cấp nước và kiểm soát mặn:

+ Tăng khả năng cấp nước từ sông Tiền sang sông Vàm cỏ Tây bằng việc nạo vét, mở rộng các trục cấp nước qua Đồng Tháp Mười như Sở Hạ-Cái Cỏ, Tân Thành-Lò Gạch, Hồng Ngự, An Phong-Mỹ Hòa-Bắc Đông, Đồng Tiến-Lagrange, Nguyễn Văn Tiếp. Chủ động trữ nước, kiểm soát mặn trên sông Vàm Cỏ.

+ Xây dựng cống ngăn mặn trên các cửa kênh dọc sông Tiền để kiểm soát mặn; kết hợp chuyển nước ngọt bằng xi phông qua các trục giao thông thủy để cấp nước cho các dự án Bảo Định và Gò Công, song song với đê ngăn lũ, triều cường dọc sông.

- Kiểm soát lũ, triều cường:

+ Phối hợp công trình trữ ngọt và ngăn mặn trên sông Vàm Cỏ để giải quyết ngập lũ, triều bằng cách tăng khả năng thoát lũ qua cống và ngăn đỉnh triều cường.

+ Vùng trung tâm Đồng Tháp Mười, các phương án trữ lũ, chậm lũ theo bậc thang các kênh trục thoát lũ được thực hiện trong giai đoạn trước mắt. Khi có cống trên sông Vàm Cỏ sẽ tăng khả năng trữ ngọt, hạn chế xâm nhập mặn và tăng khả năng thoát lũ.

+ Xây dựng hệ thống cống kiểm soát lũ trên kênh Tân Thành - Lò Gạch.

+ Tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống đê ven biển khép kín từ cửa Tiểu đến công trình trên sông Vàm Cỏ.

2. Vùng giữa sông Tiền, sông Hậu

Đây là vùng thuận lợi về cấp nước với nguồn nước ngọt từ sông Tiền, sông Hậu, trừ một số vùng còn khó khăn thuộc 2 tỉnh Bến Tre, Trà Vinh và cần có giải pháp công trình với quy mô lớn; đã và đang thực hiện Dự án Bắc Bến Tre.

- Cấp nước và kiểm soát mặn:

Tiếp tục thực hiện các hạng mục theo phân kỳ đầu tư, triển khai trước các hạng mục đã rõ về kỹ thuật đảm bảo không mâu thuẫn với lâu dài.

- Kiểm soát lũ, triều cường:

+ Đầu tư xây dựng tuyến đê dọc sông Tiền, sông Hậu trên cơ sở kết hợp tuyến giao thông (ở nơi có điều kiện), đảm bảo ứng phó với mực nước lũ kết hợp nước biển dâng.

+ Nạo vét, mở rộng các kênh nối sông Tiền - sông Hậu để tăng khả năng chuyển tải nước từ sông Tiền sang sông Hậu, đồng thời tiêu nước chua phèn, tiêu thoát cho các khu vực bị ngập úng lâu ngày.

+ Hoàn chỉnh hệ thống đê biển, đê sông nhằm khép kín và kết nối từ cửa Đại đến cửa Định An.

+ Xây dựng các cống, kết hợp tuyến đê hiện có nhằm chống ngập úng cho thành phố Vĩnh Long.

3. Vùng Tứ giác Long Xuyên

- Cấp nước và kiểm soát mặn:

+ Đầu tư xây dựng 8 cống dọc sông Hậu và mở rộng một số kênh trục để tăng khả năng chuyển nước vào nội đồng và tăng nguồn nước ngọt cho nuôi trồng thủy sản dải ven biển (Cống kênh Chắc Cà Đao; An Hòa; Bình Phú; Ba Thê; Mười Châu Phú; Tri Tôn; Cần Thảo và cống kênh số 2).

+ Xây dựng 5 cống Tà Xăng, Tam Bản, Tà Lúa, Cầu số 1, Rạch Giá.

- Kiểm soát lũ, triều cường:

+ Kết hợp đê và cống dọc sông Hậu cùng 2 cống Trà Sư, Tha La hiện nay tạo hệ thống kiểm soát lũ cho toàn vùng.

+ 8 cống ven sông Hậu nhằm kiểm soát lũ đầu vụ, tăng khả năng cấp nước về phía biển Tây.

+ Mở rộng các cống ven biển và khẩu diện các cầu qua Quốc lộ 80 từ Rạch Giá đi Hà Tiên đảm bảo khả năng thoát lũ, kể cả lũ gia tăng do biến đổi khí hậu. Nâng cấp đê biển đủ cao trình ứng với nước biển dâng kết hợp với tuyến giao thông ven biển.

4. Vùng Bán đảo Cà Mau

Đây là vùng khó khăn về nguồn nước, nhất là vùng ven biển và trung tâm Quản Lộ - Phụng Hiệp. Giải pháp cấp nước ngọt cơ bản cho vùng này là mở rộng, nạo vét các kênh trục nối từ sông Hậu vào sâu trong nội đồng. Đồng thời, tận dụng khả năng cấp nước về U Minh Thượng, U Minh Hậu do Biến đổi khí hậu-nước biển dâng (khoảng 60 m3/s).

- Cấp nước và kiểm soát mặn:

+ Xây dựng 2 cống Cái Lớn - Cái Bé nhằm ngăn mặn từ biển Tây, tăng khả năng chuyển nước cho vùng nhất là vùng Nam bán đảo Cà Mau.

+ Tiếp tục thực hiện dự án phân ranh mặn ngọt và nghiên cứu thêm giải pháp chuyển nước bằng qua các trục kênh lớn phục vụ nuôi trồng thủy sản.

- Kiểm soát lũ, triều cường:

+ Xây dựng đê và cống điều tiết dọc sông Hậu (nhất là vùng cửa sông).

+ Tiếp tục nâng cấp và hoàn chỉnh hệ thống đê biển và cống điều tiết.

+ Xây dựng các tuyến đê biển, đê sông đủ khả năng ứng phó biến đổi khí hậu nước biển dâng và các cống dưới đê tại các cửa Mỹ Thanh, Gành Hào, Bảy Háp, Ông Đốc... nhằm kiểm soát triều và lũ (trước mắt tập trung cống Gành Hào nhằm chống ngập úng cho thành phố Cà Mau).

(Dọc tuyến Cái Sắn, để ngỏ không kiểm soát lũ do lũ vùng Tứ giác Long Xuyên sẽ được kiểm soát khá tốt sau khi có thêm 8 cống ven sông Hậu).

            5. Vùng hải đảo (thuộc tỉnh Kiên Giang)

- Nâng cấp hồ chứa nước Dương Đông, Phú Quốc;

- Xây dựng hồ chứa nước suối Lớn (Phú Quốc); Hòn Ngang, Hòn Mấu, (Nam Du) và Ấp 1 (Hòn Tre).

5.3. Giải pháp phi công trình.

- Nghiên cứu đề án thành lập các tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi và xây dựng quy trình vận hành các hệ thống thủy lợi lớn, liên tỉnh trong vùng.

- Thực hiện chương trình trồng rừng ngập mặn ven biển và bảo vệ các khu vườn quốc gia tại các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long; trồng cây chắn sóng đối với các khu vực đê bao chống lũ triệt để ở các khu vực ngập lũ.

- Tuyên truyền, cảnh báo và có giải pháp cho người dân khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng do ngập lũ, sạt lở, hạn hán, xâm nhập mặn nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu - nước biển dâng.

- Rà soát, chủ động di dời dân cư đang sinh sống ở khu vực ven sông, kênh rạch có nguy cơ sạt lở cao.

- Nghiên cứu, đánh giá tổng thể diễn biến sạt lở bờ hệ thống sông Tiền, sông Hậu trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng để đề xuất phương án bảo vệ các thành phố, thị xã, khu vực dân cư tập trung.

- Đề xuất các giải pháp chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, cây trồng, vật nuôi thích hợp ứng phó với biến đổi khí hậu (tưới tiết kiệm nước, lai tạo giống lúa chịu mặn, chịu hạn, chịu ngập) và tình trạng khan hiếm nguồn nước ngọt, xâm nhập mặn gia tăng và ảnh hưởng của lũ kết hợp triều cường trong khu vực.

- Thực hiện tốt công tác dự báo, cảnh báo khí tượng, thủy văn; công tác quản lý khai thác công trình thủy lợi.

- Tích cực hợp tác với các nước thượng lưu trong khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước.

5.4 Trình tự và tiến độ thực hiện quy hoạch.   

- Các công trình dở dang theo Quyết định số 84/2006/QĐ-TTg đảm bảo đồng bộ, khép kín hệ thống để sớm hoàn thành