VIỆN QUY HOẠCH THỦY LỢI MIỀN NAM

VIỆN QUY HOẠCH THỦY LỢI MIỀN NAM

VIỆN QUY HOẠCH THỦY LỢI MIỀN NAM

VIỆN QUY HOẠCH THỦY LỢI MIỀN NAM

VIỆN QUY HOẠCH THỦY LỢI MIỀN NAM

VIỆN QUY HOẠCH THỦY LỢI MIỀN NAM

Đổi mới, nâng cao chất lượng quy hoạch thủy lợi

Tác giả: TS Lương Quang Xô
Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam

 
1.      Đổi mới ngay trong quan điểm làm quy hoạch thủy lợi
Quy hoạch Thủy lợi phải gọi cho đúng đó là “quy hoạch xây dựng thủy lợi” bởi vì kết quả của nó là danh mục công trình được tiến hành xây dựng trong tương lai, nó khác với các ngành quy hoạch khác như thủy sản, lâm nghiệp, nông nghiệp, giáo dục, y tế v.v… Do vậy,  nó có đặc thù riêng và nội hàm riêng. Trong lý luận về quy hoạch gọi là “quy hoạch cứng” còn các ngành kể trên là quy hoạch mềm.
Quy hoạch gần tiệm cận với chiến lược, hơn nữa góp phần tư vấn cho các cấp lãnh đạo trong công tác điều hành quản lý, do vậy những phương án đưa ra không hiệu quả sẽ gây tổn thất kinh tế rất lớn, do vậy trong công tác quy hoạch phải được coi trọng đúng mức (con người, chế độ chính sách, đơn giá v.v…)
Quy hoạch xây dựng thủy lợi phải dựa trên nền của quan điểm quản lý tổng hợp nguồn nước (tài nguyên nước) có như vậy mới giải quyết bài toán tối ưu đối với lĩnh vực tài nguyên nước. Do vậy, phạm vi quy hoạch phải theo lưu vực sông hoặc vùng, tiểu vùng, hay nói cách khác nội dung báo cáo quy hoạch lưu vực, vùng phải khác nội dung của một báo cáo quy hoạch tỉnh.
Quy hoạch xây dựng thủy lợi là quy hoạch mở, thường xuyên được cập nhật bổ sung, phù hợp với nguồn nước và tình hình phát triển kinh tế xã hội.
Quy hoạch xây dựng thủy lợi là một quy hoạch chuyên ngành của quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội, vào thời kỳ đầu của phát triển nông nghiệp nó được coi là quy hoạch tiên phong, nhưng nay phải được coi là quy hoạch nền (hạ tầng) phục vụ cho các ngành khác cùng đồng thời phát triển, nó có quan hệ hỗ trợ lẫn nhau. Nói cách khác là trong mỗi dự án quy hoạch (nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp, thủy lợi v.v…) phải có sự phối hợp cụ thể từ khi trình duyệt đề cương, thực hiện, quản lý vận hành.
Trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, xu thế biến đổi nguồn nước và biến đổi khí hậu (BĐKH), nước phải được coi là hàng hóa, nói cách khác chính sách cấp bù thủy lợi phí hiện nay là chưa phù hợp, khó kêu gọi đầu tư, giải pháp vốn trong công tác quy họạch hầu như là không tưởng (quy họạch treo).
Quy hoạch xây dựng thủy lợi hiện nay phải theo xu hướng quy hoạch quản lý, khai thác, vận hành hệ thống thủy lợi, ngoại trừ vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
2.      Những tồn tại trong công tác quy hoạch thủy lợi hiện nay
Chất lượng quy hoạch xây dựng thủy lợi còn chưa cao, không theo kịp với tình hình phát triển kinh tế xã hội. Các nhà đầu tư, người quyết định đầu tư khi cầm dự án án quy hoạch không quyết định được nên đầu tư vào dự án nào? Công trình nào và có lợi bao nhiêu? Tác động đến kinh tế xã hội ra sao? Chỉ khi đầu tư toàn bộ dự án mới thấy kết quả, mà vốn đầu tư thì quá lớn! điều đó thật không tưởng trong cơ chế thị trường như hiện nay. Hay nói cách khác chúng ta quy hoạch theo viễn cảnh mà không có quy hoạch theo từng bước đi, từng thời đoạn. Theo tôi trong quy hoạch thủy lợi trong thời gian tới phải đưa ra kết quả các dự án đầu tư đồng bộ, từ đầu mối tới hộ dùng nước, bao hàm các chỉ số cơ bản cụ thể như một thông số dự án.
Ở Việt Nam hiện nay các quy hoạch chuyên ngành thường đi trước “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội” do vậy mục tiêu của các quy hoạch chuyên ngành xác định không đúng, nên các công trình đưa ra hiệu quả phục vụ không cao, nhiều khi chưa đúng. Phương pháp luận quy hoạch hiện nay ở Việt Nam theo hình tam giác thuận, với tình hình hiện nay phải theo hình tam giác ngược, điều này giải nghĩa tại sao tất cả các quy hoạch từ trước đế nay chỉ đưa ra từng công trình riêng lẻ mà không đưa ra được các dự án đầu tư riêng biệt. Nói cách khác một số dự án quy hoạch hiện nay càng đọc càng rối, cuối cùng là kết luận chung chung “góp phần phát triển kinh tế xã hội”.
Trong quy hoạch xây dựng thủy lợi, một số dự án chưa theo một quy trình chung là: Nghiên cứu khoa học-quy hoạch-chuẩn bị đầu tư-xây dựng cơ bản-quản lý vận hành. Do vậy, những giải pháp quy hoạch đưa ra có tính thuyết phục chưa cao.    
Trong quy hoạch thủy lợi khâu lập đề cương thực hiện là khâu quan trọng nhất, nhưng một số dự án chưa tách biệt được mục tiêu-nhiệm vụ, cũng như các vấn đề cần phải giải quyết và các hoạt động để đạt được nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể. Do vậy, khó khăn cho nghiệm thu và người thực hiện. Chưa nói đến là các mục tiêu đưa ra rất chung chung, nhiều khi các lưu vực, vùng gần như tương tự như nhau.
 Sự phối kết hợp giữa các quy hoạch chuyên ngành chưa đồng bộ, nhiều khi hầu như riêng biệt, nên giải pháp quy hoạch đưa ra không sát thực tế, mà kinh phí thực hiện tổng thế lại rất lớn và trùng lấp.
Tính dự báo trong quy hoạch còn thấp, cả trong quy hoạch phát triển lẫn quy hoạch nền (quy hoạch xây dựng thủy lợi). Hiện nay chủ yếu dựa vào kinh nghiệm là chính.
Chưa thống nhất trong quản lý cơ sở dự liệu dùng cho quy hoạch, gây khó khăn cho người thực hiện và kinh phí thực hiện quy hoạch.
Tính pháp lý thực hiện quy hoạch và quản lý quy hoạch không thống nhất, cần phải đưa vào luật thủy lợi.
Quy hoạch xây dựng thủy lợi đòi hỏi bao gồm nhiều lĩnh vực: thủy văn, thủy lực, thủy công, môi trường, kinh tế, xã hội, nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp v.v… do vậy, đòi hỏi cán bộ phải có trình độ nhất định nên hiện nay nguồn nhân lực còn thiếu và mỏng.
Các tiêu chuẩn, quy chuẩn lập quy hoạch xây dựng thủy lợi còn thiếu và chưa phù hợp với các vùng khác nhau của cả nước.         
3.      Giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch xây dựng thủy lợi
1)      Cần hoàn thiện ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong quy hoạch xây dựng thủy lợi, chuẩn bị đầu tư, xây dựng, quản lý vận hành.
2)      Áp dụng các công nghệ mới vào trong quy hoạch (mô hình dự báo, mô hình toán, hệ thống thông tin địa lý - GIS, công nghệ ba chiều - 3D,…). Tiến tới giải bài toán quy hoạch phải thông qua Quy hoạch tuyến tính hay phi tuyến để giải quyết bài toán hàm mục tiêu. Tránh tình trạng như hiện nay phụ thuộc vào ý kiến chủ quan của nhà quy hoạch mà đánh giá dự án là kinh tế hay không kinh tế.
3)      Quy hoạch xây dựng thủy lợi nói riêng và các quy hoạch khác nói chung, mang tầm chiến lược của cả một vùng. Do vậy, các dự án quy hoạch không nên đấu thầu mà áp dụng hình thức chỉ định thầu cho các đơn vị chuyên ngành có năng lực, kinh nghiệm, chuyên môn phụ trách trên địa bàn.
4)      Cần tiến hành “tích hợp các quy hoạch các ngành có liên quan đến lĩnh vực thủy lợi, tránh đầu tư trùng lấp, hiệu quả của quy hoạch lại không cao” cả trong từng dự án, đề án hay chương trình của Bộ. Quy hoạch xây dựng thủy lợi cần phải bám sát mục tiêu, nhiệm vụ của cả thời đoạn quy hoạch cũng như trong từng thời kỳ. Kết quả cuối cùng của quy hoạch phải là danh mục các dự án đầu tư một cách đồng bộ, bao gồm các thông số chính của dự án để nhà đầu tư và người quyết định đầu tư thuận lợi trong chọn lựa, cũng như phát huy ngay hiệu quả tác dụng.
5)      Quy hoạch xây dựng thủy lợi chủ yếu phục vụ cho cây lúa và hoa màu là chính, trong thời gian tới cần đưa ra các giải pháp công nghệ phục vụ cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp (phục vụ sản phẩm chiến lược, cấp nước cho dân sinh, du lịch sinh thái, môi trường, an sinh xã hội v.v…). Đặc biệt, phải chú trọng đến đền bù tái định cư trong các phương án đề xuất (hiện nay có công trình tiền đền bù gấp 2 lần tiền xây dựng).
6)      Đào tạo nguồn nhân lực: Đề nghị nên có chính sách đầu tư nguồn nhân lực cho lĩnh vực quy hoạch, cả trong bố trí cán bộ lẫn quá trình đạo tạo. Đặc biệt, xem xét đơn giá lập quy hoạch cho phù hợp giữa các lĩnh vực quy hoạch, chuẩn bị đầu tư và thiết kế.         
4.      Kiến nghị
1)      Nguồn nước hiện nay do nhiều ngành phụ trách và quản lý, đề nghị cần có một cơ quan phụ trách chung điều phối thống nhất (Ủy ban quan lý lưu vực sông, vùng). Có như vậy, mới điều hòa việc sử dụng nguồn nước một cách hợp lý và hiệu quả. Bởi vì, tranh chấp trong sử dụng nguồn nước sẽ diễn ra ngày càng quyết liệt.
2)      Trong quá trình khai thác, chế ngự nguồn nước từ TRỊ THỦY-THỦY LỢI-TÀI NGUYÊN NƯỚC nhằm mục đích coi nước là tài nguyên, là hàng hóa nên các hộ dùng nước sử dụng nó phải đóng thuế trả tiền. Do vậy, đề nghị Nhà nước xem xét chính sách thủy lợi phí hiện nay.
3)      Tăng cường công tác giảng dạy, đào tạo về thủy lợi phục vụ cho các lĩnh vực của nền kinh tế xã hội (thủy sản, lâm nghiệp, môi trường, dân sinh v.v…). Đặc biệt, là mở các lớp đào tạo quy hoạch xây dựng thủy lợi cho các địa phương.
4)      Trong quá trình lập quy hoạch xây dựng thủy lợi phải dựa trên tính tóan cân bằng nước các vùng, các lưu vực sông. Các tính toán cân bằng này mới chỉ thực hiện cho giai đoạn 1990. Đề nghị Bộ cho thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học tính toán cân bằng nước cho các vùng trọng điểm như sông Hồng, Đồng Nai, Đồng bằng sông Cửu Long, Tây nguyên và miền trung. Nếu chỉ thực hiện trên từng dự án một sẽ mang tính phiến diện và nhiều khi không thể thực hiện được./.