(Nongnghiep.vn) Nhờ được đầu tư hệ thống thủy lợi mà Tứ giác Long Xuyên từ hoang hóa, nhiễm phèn nặng đã trở thành vùng sản xuất trù phú ở ĐBSCL.
Đầu những năm 1980, nhiều đoàn cán bộ kỹ thuật từ Trung ương đã được điều động vào miền Nam và có những nghiên cứu bước đầu về các vùng sinh thái đặc thù ở ĐBSCL. Họ đã đặt nền móng cơ sở khoa học cho những giải pháp thủy lợi nhằm khai phá nhiều vùng đất còn hoang hóa nơi đây.
Kênh T5 - Kênh ông Kiệt mở đầu khai phá vùng Tứ giác Long Xuyên, biến vùng đất hoang hóa trở nên trù phú. Ảnh: Hoàng Vũ.
Nhờ được đầu tư bài, đồng bộ với hàng chục công trình thủy lợi lớn trong suốt thời gian dài, đã biến Tứ giác Long Xuyên (TGLX) từ hoang hóa, nhiễm phèn nặng thành vùng sản xuất trù phú. Bắt đầu từ việc đào thêm các hệ thống kênh trục để dẫn lũ, cải tạo đồng ruộng. Các ô đê bao nội đồng phục vụ sản xuất cũng được đầu tư xây dựng, mở rộng diện tích canh tác.
“Kênh Ông Kiệt” là cách mà người dân tỉnh An Giang và Kiên Giang gọi dòng kênh T5, để tỏ lòng biết ơn người đã có công lớn giúp khai phá vùng TGLX. Sau đó, HĐND tỉnh An Giang đã quyết định đặt tên kênh T5 là "kênh Võ Văn Kiệt" và dựng bia tưởng niệm ở đầu tuyến kênh để nghi nhớ công ơn vị cố Thủ tướng.
Nhiều năm sau đó, các công trình thủy lợi tiếp tục được đầu tư phục vụ phát triển nông nghiệp, như: nạo vét một số kênh trục để tăng cường cấp, tiêu nước, cải tạo đất, củng cố hệ thống đê biển và đê sông, hệ thống bờ bao… Quan điểm “sống chung với lũ”, thoát lũ ra biển Tây cũng được đề xuất và đã có nhiều công trình thủy lợi được đầu tư theo hướng này.
Hàng loạt công trình được xây dựng, hoàn thiện giải pháp thoát lũ ra biển Tây: nạo vét, mở rộng các trục kênh thoát lũ, xây dựng đập tràn Xuân Tô, đập cao su Tha La, Trà Sư… để điều khiển lũ.
Các cầu giao thông trên quốc lộ 80, nạo vét các kênh thoát lũ ra biển. Đầu tư nâng cấp hệ thống đê biển và các cống dưới đê để kiểm soát mặn. Các hệ thống thủy lợi nội đồng được đầu tư hoàn chỉnh, đưa vùng Tứ giác Long Xuyên thành khu vực trọng điểm sản xuất lương thực của ĐBSCL.
Hàng loạt cống ngăn mặn, giữ ngọt và thoát lũ ra biển Tây đã được đầu tư xây dựng, góp phần khai thác hiệu quả vùng Tứ giác Long Xuyên. Ảnh: Trung Chánh.
Người đã có quyết định và đóng góp quan trọng trong công cuộc khai phá vùng Tứ giác Long Xuyên, biến vùng đất được ví như "túi phèn" này thành vựa lúa của cả nước là cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Công trình kênh T5 do cố Thủ tướng phát lệnh khởi công vào tháng 4/1997 đã khởi đầu chương trình thoát lũ ra biển Tây và đánh thức tiềm năng của cả vùng.
Vùng Tứ giác Long Xuyên có tổng diện tích tự nhiên khoảng gần 500.000 ha, trải dài trên địa bàn các tỉnh An Giang, Kiên Giang và TP Cần Thơ. Trong đó, An Giang chiếm diện tích lớn nhất với 245.085 ha, tiếp đến là Kiên Giang khoảng 240.333 ha, còn lại là Cần Thơ hơn 15.000 ha.
Hình ảnh ngập lũ đặc thù vùng Tứ giác Long Xuyên những năm trước đây. Ảnh: Trung Chánh.
Nhờ được đầu tư khai thác một cách bài bản, Tứ giác Long Xuyên nay đã trở thành vùng trọng điểm sản xuất lúa gạo lớn nhất khu vực, với diện tích gieo trồng lúa từ 350.000 – 400.000 ha, tổng sản lượng đạt khoảng 5-6 triệu tấn/năm, chiếm khoảng 25% sản lượng của cả ĐBSCL.
Hiện nay, bình quân mỗi vụ lúa tỉnh An Giang sản xuất từ 180.000 - 220.000 ha trên tổng số 643 tiểu vùng. Trong đó, có 421 tiểu vùng có đê bao triệt để với diện tích khoảng 194.000 ha. Ông Nguyễn Sĩ Lâm, GĐ Sở NN-PTNT An Giang cho biết: “Đến nay, tỉnh đã thu hoạch lúa hè thu đạt khoảng 65% diện tích gieo trồng và đang tiếp tục triển khai xuống giống vụ thu đông. Vụ thu đông 2021, tỉnh có kế hoạch gieo trồng gần 180.000 ha lúa và 16.000 ha rau màu, nuôi trồng thủy sản trong mùa lũ.”
Nhờ được đầu tư hệ thống thủy lợi mà Từ giác Long Xuyên từ hoang hóa, nhiễm phèn nặng đã trở thành vùng sản xuất lúa trù phú ở ĐBSCL. Ảnh: Trung Chánh.
Bên cạnh đó những diện tích đê bao không an toàn hoặc ngoài đê bao, An Giang khuyến cáo không cho người dân xuống giống mà thực hiện xả lũ cho 26 tiểu vùng, ở các huyện như: Tri Tôn, Châu Phú, Tịnh Biên, Phú Tân và TX Tân Châu…
Ông Phạm Thành Tâm, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện An Phú (An Giang) cho biết, theo dự báo của ngành chức năng lũ năm nay về muộn và mực nước không cao như 5 năm về trước. Đây là điều kiện thuận lợi để nông dân sản xuất vụ lúa thu đông. Ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân tranh thủ vệ sinh đồng ruộng và tuân thủ theo lịch xuống giống, với diện tích toàn huyện khoảng 5.000 ha và 3.000 ha hoa màu các loại.
Tại tỉnh Kiên Giang, 6/15 huyện, thành phố nằm trong vùng Tứ giác Long Xuyên, gồm huyện Giang Thành, Kiên Lương, Hòn Đất, Tân Hiệp và thành phố Rạch Giá, Hà Tiên. Trong đó, huyện Hòn Đất có diện tích sản xuất lúa lớn nhất vùng, với gần 80.000 ha. Mỗi năm, Kiên Giang sản xuất hơn 4 triệu tấn lúa hàng hóa thì vùng Tứ giác Long Xuyên đóng góp khoảng 50%.
Cánh đồng lúa trù phú bạt ngàn bên dòng Kênh Võ Văn Kiệt, mồi năm đóng góp sản lượng 5-6 triệu tấn lúa, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu. Ảnh: Hoàng Vũ.
Ông Lê Văn Giàu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hòn Đất cho biết “Nhờ các công trình thủy lợi khai phá vùng Tứ giác Long Xuyên phát huy hiệu quả, đã giúp huyện Hòn Đất mở rộng tối đa diện tích canh tác lúa và nâng cao năng suất. Năm 2020, sản lượng lúa toàn huyện đạt 1,006 triệu tấn. Khả năng năm 2021 sẽ vượt xa con số này, do sản lượng vụ đông xuân tăng mạnh, còn vụ hè thu, thu đông đều dự báo thuận lợi”.
Đầu tư lớn của nhà nước về hệ thống thủy lợi, kiểm soát lũ, ngăn mặn đã giúp nhanh chóng gia tăng diện tích trồng lúa 3 vụ/năm. Tuy nhiên, Tứ giác Long Xuyên không chỉ lợi thế cho trồng lúa mà còn có tiềm năng về đa dạng hóa sản xuất các loại cây công nghiệp ngắn ngày và nuôi thủy sản kết hợp với trồng lúa, thủy sản nước lợ ven biển.
Nuôi tôm nước lợ ở vùng ven biển Kiên Giang, đặc biệt là nuôi theo hình thức thâm canh công nghiệp, cho sản lượng thu hoạch rất cao. Ảnh: Trung Chánh.
Bên cạnh việc đóng góp hàng triệu tấn lúa mỗi năm, ngành nuôi trồng thủy sản nước ngọt và lợ cũng đang phát triển mạnh, đóng góp lớn vào kinh tế của vùng. Trong đó, các ngành hàng có giá trị lớn như cá tra, tập trung ở tỉnh An Giang và thành phố Cần Thơ (khoảng 2.000 ha). Nuôi tôm nước lợ ở vùng ven biển Kiên Giang, đặc biệt là nuôi theo hình thức thâm canh công nghiệp, cho sản lượng thu hoạch rất cao. Ngoài ra, vùng này còn có lợi thế về phát triển thủy sản nước ngọt, như nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa, nuôi cá đồng như các lóc, cá rô, nuôi lươn…
Vùng ven biển Kiên Lương - Hà Tiên, hiện là mỏ tôm công nghiệp của tỉnh Kiên Giang, với nhiều doanh nghiệp đầu tư nuôi tôm với diện tích cả ngàn ha. Ảnh: Trung Chánh.
Do đó, để phát huy tiềm năng thế mạnh của vùng, cần có sự liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng nhằm có định hướng phát triển, tận dụng lợi thế của từng địa phương. Trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng, vùng Tứ giác Long Xuyên cần tiếp tục giải quyết 3 vấn đề lớn chung, đó là thoát lũ, bảo đảm nguồn nước tưới và ngăn mặn. Có giải pháp hữu hiệu nhằm định hướng phát triển thượng nguồn để trữ nước và điều tiết khi có lũ về thông qua biển Tây.
Đ.T.CHÁNH - TRỌNG LINH