Theo ông Phùng Quốc Hiển, ngành cần cương quyết, kiên trì đi theo nền nông nghiệp xanh, hữu cơ và bền vững. Đi theo con đường này sẽ có sự đấu tranh giữa hai “trường phái” là giữa sản xuất “nóng” sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh thiếu kiểm soát với một bên là sản xuất sạch từ khâu canh tác đến tiêu thụ, sử dụng phân bón vô cơ, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh…
"Ngành nông nghiệp phải tổ chức lại sản xuất, cơ giới hóa, hiện đại hóa đi theo nền sản xuất tập trung áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; gắn kết sản xuất với tiêu thụ, giữa người sản xuất và người tiêu dùng theo mô hình khép kín. Đây cũng là cách để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp đảm bảo an toàn thực phẩm", Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Về đất đai, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng tích tụ được ruộng đất, dồn điền đổi thửa để có những cánh đồng mẫu lớn, do đó, phải sửa đổi Luật Đất đai, cương quyết xử lý việc sử dụng đất không hợp lý của các tổ chức, cá nhân. Việc xử lý phải gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.
Trước tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp như: thiếu nước ngọt, nước biển dâng, ô nhiễm môi trường… sẽ tác động mạnh đến sản xuất nông nghiệp, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu ngành phân phối điều hòa nguồn nước từ sông hồ cho đến công trình thủy lợi, mạng lưới tưới tiêu… Đồng thời giữ được rừng đầu nguồn để người dân sống được dưới tán rừng. Những đơn vị sử dụng nguồn nước sẽ trả phí cho những người giữ rừng.
Tại buổi làm việc, ông Phùng Đức Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn ban hành chưa bao lâu nhưng đã phải sửa đổi. Hiện một số doanh nghiệp đã có đầu tư vào nông nghiệp nhưng mới chỉ bước đầu. Cần tranh thủ nguồn lực đầu tư nước ngoài để tận dụng các ứng dụng về khoa học công nghệ, cơ sở vật chất, kinh nghiệm quản lý… thì giá trị nông lâm thủy sản Việt Nam sẽ được nâng lên rất nhiều.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bộ đã xây dựng Kế hoạch hành động tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới. Theo đó, ngành sẽ thực hiện hiệu quả ba đột phá chiến lược. Đó là hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, trọng tâm là đổi mới và hoàn thiện chính sách đất đai, tín dụng, thương mại, thuế và chính sách thu hút nguồn lực xã hội cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời huy động các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, tăng cường năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngành nông nghiệp tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ công và tăng cường năng lực, hiệu lực quản lý nhà nước, năng lực cho lực lượng kiểm lâm, kiểm ngư. Mặt khác, nâng cao hiệu quả đào tạo lao động nông nghiệp; chuyển mạnh sang đào tạo theo nhu cầu của lao động, doanh nghiệp và thị trường.
Cùng với đó ngành sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành, doanh nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản, xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, tiến tới xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ. Bên cạnh đó, thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; phát triển mạnh doanh nghiệp nông nghiệp và thu hút đầu tư tư nhân; đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh./.
TTXVN