Nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, trong năm 2016, các cơ quan đơn vị thuộc Bộ và toàn ngành NN&PTNT đã nghiêm túc triển khai thực hiện các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ; bám sát tình hình thực tiễn; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương triển khai toàn diện các các nhiệm vụ được giao và đạt được nhiều kết quả tích cực. Các lĩnh vực của ngành tiếp tục được duy trì và phát triển; kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; thực hiện tốt công tác phòng chống cháy rừng; theo dõi sát sao và đối phó có hiệu quả với các diễn biến bất thường của thời tiết, đặc biệt là tình trạng hạn hán ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, xâm nhập mặn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; chủ động phối hợp đảm bảo cung cấp đủ lương thực thực phẩm với giá cả ổn định cho người dân; công tác kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm tiếp tục được chỉ đạo triển khai mạnh mẽ; lĩnh vực khoa học công nghệ, đào tạo, hợp tác quốc tế... tiếp tục được quan tâm thực hiện
Tại buổi họp tổng kết công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ diễn ra ngày 23/12, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN& PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định: “Có thể nói năm 2016 là một năm cực kỳ gian nan, vất vả, khó khăn với ngành NN&PTNT. Từ đầu năm đến nay, liên tục quý nào cũng xảy ra thiên tai và đều ở mức độ khốc liệt. Đầu năm, trận rét đậm, rét hại lịch sử 60 năm xảy ra ở 14 tỉnh miền núi phía Bắc, gây ra thiệt hại rất lớn về sản xuất nông nghiệp. Sau đó là đợt hạn lịch sử tại các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên, cùng với đó là hạn, mặn lịch sử (100 năm) ở Đồng bằng sông Cửu Long. Gần đây nhất, ở chiều ngược lại, từ đầu tháng 10/2016 đến nay, liên tục 8 tỉnh Nam Trung bộ hứng chịu 5 đợt mưa lũ lịch sử với lượng mưa lên đến 2.300mm - 2.700mm. Chưa bao giờ xảy ra tình trạng như thế, mưa dồn dập, mưa lượng rất lớn, trên diện tích rộng”. Chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai và sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung nên sáu tháng đầu năm, tăng trưởng ngành nông nghiệp giảm 0,18%.
Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các địa phương tập trung khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất nên kết quả cả năm 2016 ngành nông nghiệp vẫn tăng trưởng góp phần vào tăng trưởng chung của cả nước, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội của đất nước. Theo số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng GDP toàn ngành đạt khoảng 1,2%; giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010) tăng 1,44%, trong đó: Trồng trọt giảm 0,9%, chăn nuôi tăng 5,4%; lâm nghiệp tăng 6,17%; thuỷ sản tăng 2,91%. Đây là kết quả quan trọng, khẳng định được sự chỉ đạo, điều hành đúng hướng và sự điều chỉnh sản xuất, kinh doanh kịp thời của cả ngành nên đã phục hồi được tăng trưởng.
Xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt mức “kỷ lục” 32,1 tỷ USD
Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Trong 6 tháng đầu năm, sản lượng tôm chưa đạt 200.000 tấn. Tuy vậy, từ tháng 6 trở đi, ngành thủy sản đã tập trung đẩy mạnh vào việc thả nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú, nên sản lượng đã tăng vọt đạt 650.000 tấn trong 6 tháng cuối năm, diện tích thả nuôi cũng được mở rộng lên 700.000ha. Nhờ đó, xuất khẩu tôm cả năm nay ước đạt 3,2 tỷ USD, cá tra cũng khởi sắc nhờ giá và đạt giá trị xuất khẩu trên 1,7 tỷ USD. Tính chung, toàn ngành thủy sản xuất khẩu đạt khoảng 7 tỷ USD”.
Trong khi đó, chăn nuôi cũng được coi là ngành có sự “bùng nổ” trong năm nay với tổng đàn lợn tăng lên 29,1 triệu con, đàn gia cầm tăng lên 364,5 triệu con. Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Trong năm vừa qua, nước ta đã xuất khẩu được 600.000 tấn lợn hơi sang Trung Quốc với giá trị hơn 1 tỷ USD, nhưng việc xuất khẩu này vẫn chưa bền vững do chúng ta chủ yếu xuất qua con đường tiểu ngạch. Do đó, nếu làm căn cơ, riêng ngành chăn nuôi có thể đảm bảo xuất khẩu tới 2 triệu tấn lợn sang thị trường này”.
Nhờ có những giải pháp chủ động, sáng tạo và quyết liệt trong khôi phục hậu quả thiên tai, thúc đẩy sản xuất – kinh doanh những mặt hàng có lợi thế thị trường, cạnh tranh như rau quả, tôm, chăn nuôi... nên kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản có sự gia tăng mạnh, cả năm ước đạt 32,1 tỷ USD, tăng 1,7 tỷ USD so với năm 2015; thặng dư thương mại đạt khoảng 7,5 tỷ USD. Đặc biệt, năm 2016 đánh dấu sự phát triển vượt bậc trong xuất khẩu rau quả. Lần đầu tiên “vượt qua mặt hàng gạo“, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt 2,4 tỷ USD, tăng 31,2% so với năm 2015. Nhiều mặt hàng có kim ngạch tăng cao như cà phê tăng 25,5%, hạt điều tăng 18,3%, hạt tiêu tăng 12,7%, thủy sản tăng 6,3%.. và chúng ta vẫn duy trì được 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1,0 tỷ USD trở lên.
Ưu tiên đảm bảo an toàn thực phẩm
Theo Bộ NN&PTNT, lĩnh vực đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là ưu tiên hàng đầu hiện nay. Tính đến nay, cả nước đã xây dựng được 4.000 chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn. Trong đó, đã phối hợp chặt chẽ với UBND TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn. Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho biết: “Trong năm 2016, riêng công tác truyền thông đã cân bằng được thông tin giữa các cơ sở sản xuất sạch và những cơ sở vi phạm. Điển hình như năm 2016, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Báo NTNN triển khai chương trình truyền thông Địa chỉ xanh- Nông sản sạch tạo được sự lan tỏa rất tốt”.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT đánh giá: “Cái được lớn nhất của năm vừa qua là đã đẩy lùi được chất cấm Salbutamol và Vàng Ô. Tới đây chúng tôi cũng tham mưu để đưa chất Cystemine vào danh mục chất cấm”. Ông Việt cũng cho biết, trong năm vừa qua, lực lượng thanh tra chuyên ngành đã xử lý vi phạm được số tiền là 6 tỷ đồng liên quan đến lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết: “Với thị trường Trung Quốc, chúng ta cần phải tìm cách đàm phán để xuất khẩu chính ngạch đối với sản phẩm chăn nuôi. Bên cạnh đó, cũng phải tìm cách giảm giá thành chăn nuôi, nếu không sẽ mất thị trường do giá quá cao”. Đối với vấn đề an toàn thực phẩm, ông Tám cho rằng, cần phải có chiến lược hoặc chương trình giám sát liên quan đến vật tư đưa vào nông nghiệp, đồng thời giảm dư lượng kháng sinh với tôm, hướng dẫn cho thân thiện môi trường…
Bước sang năm 2017, là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và Kế hoạch phát triển ngành 5 năm 2016 – 2020 trong bối cảnh những khó khăn thách thức được dự báo vẫn chưa giảm hơn so với năm 2016, toàn ngành nông nghiệp tiếp tục thực hiện một số chỉ tiêu chủ yếu của ngành như sau: Tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản: 2,5-2,8%; Tốc độ tăng giá trị sản xuất của ngành: 2,8-3,1%; Kim ngạch xuất khẩu: 31,5 tỷ USD; Tỷ lệ che phủ rừng: 41,45%; Tỷ lệ xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới: 28-30%./.
|