VIỆN QUY HOẠCH THỦY LỢI MIỀN NAM

VIỆN QUY HOẠCH THỦY LỢI MIỀN NAM

VIỆN QUY HOẠCH THỦY LỢI MIỀN NAM

VIỆN QUY HOẠCH THỦY LỢI MIỀN NAM

VIỆN QUY HOẠCH THỦY LỢI MIỀN NAM

VIỆN QUY HOẠCH THỦY LỢI MIỀN NAM

Quá trình hình thành và phát triển Viện

Qua gần 50 năm phát triển và trưởng thành, Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam - tiền thân là các đoàn Quy hoạch Thủy lợi của Bộ Thủy lợi và Phân Viện Khảo sát Quy hoạch Thủy lợi Nam bộ trước đây, đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp phát triển thủy lợi nói riêng và phát triển kinh tế-xã hội nói chung của các tỉnh, thành phố phía Nam và cả nước, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Miền Đông Nam bộ (MĐMB). Ở MĐNB, hàng chục hồ chứa quy mô vừa và lớn, hàng trăm công trình thủy lợi các cấp đã được xây dựng từ những bước quy hoạch ban đầu, mà đáng kể ra là công trình thủy lợi Dầu Tiếng và các công trình thủy điện Trị An, Thác Mơ, Hàm Thuận Đa Mi, Đại Ninh, Đồng Nai 3, Đồng Nai 4,… Ở ĐBSCL, hàng trăm dự án thủy lợi với hệ thống kênh tưới, tiêu các cấp, hệ thống đê biển và cửa sông, hệ thống cống, bờ bao và đê bao kiểm soát lũ... đã được hình thành từ những trang nghiên cứu khởi đầu, mà đáng ghi nhận là kênh trục Hồng Ngự, công trình cải tạo vùng đất phèn Đồng Tháp Mười và hệ thống kiểm soát lũ vùng Tứ giác Long Xuyên, Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 1. Đảng, Nhà nước và Bộ Nông nhiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) luôn đánh giá cao sự đóng góp đó của Viện, thể hiện bằng những Huân chương và bằng khen các cấp. Nhân dân và chính quyền các địa phương phía Nam luôn trân trọng công lao của Viện, thể hiện bằng sự hợp tác trong nhiều dự án phát triển thủy lợi. Nhìn lại chặng đường đã qua, Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Bộ NN&PTNT giao phó, xứng đáng là cánh chim đầu đàn về quy hoạch thủy lợi và tài nguyên nước ở các tỉnh, thành phía Nam và cả nước.

         1.  Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam là đơn vị đầu tiên có mặt trên các tỉnh, thành phía Nam của Tổ quốc để thăm dò, khảo sát thiết kế quy hoạch thủy lợi. Những người làm công tác thiết kế quy hoạch luôn nghiên cứu tìm tòi, là người đặt nền móng đầu tiên cho mọi công trình thủy lợi trên khắp các tỉnh thành phía Nam và cũng vạch ra những chiến lược phát triển sử dụng tài nguyên nước, định hướng xây dựng các công trình thủy lợi trung, dài hạn. Nhiều đồng chí lãnh đạo chủ chốt trong và ngoài Bộ đã trưởng thành từ Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam.

Ngay từ ngày đầu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 02 đoàn quy hoạch thủy lợi (là tiền thân của Viện hiện nay) đã được thành lập và tiến hành khảo sát, thiết kế quy hoạch thủy lợi ở các vùng Nam Trung Bộ, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ, trong đó có 2 vùng trọng điểm là lưu vực sông Đồng Nai và ĐBSCL. Chỉ trong thời gian ngắn định hướng quy hoạch thủy lợi cho cả 4 vùng đã hoàn thành, từ đó nhiều công trình đã trở thành hiện thực như các hồ Dầu Tiếng, Trị An, Thác Mơ... ở lưu vực sông Đồng Nai, các kênh trục dẫn nước ngọt cải tạo đất phèn, đất mặn như Hồng Ngự, Tân Thành-Lò Gạch, Ba Thê, Mười Châu Phú... ở ĐBSCL đều mang những ý nghĩa to lớn đối với phát triển kinh tế-xã hội từng vùng không chỉ trước đây mà cả đến hôm nay. Thành tựu phát triển thủy lợi vùng đất phèn ở Đồng Tháp Mười đã gây được sự quan tâm cao của giới khoa học trong nước và sự khâm phục của bè bạn quốc tế.

Từ ngày thành lập 20 tháng 9 năm 1977, trải qua gần 50 năm phát triển và trưởng thành, Phân viện Khảo sát Quy hoạch Thủy lợi Nam bộ trước đây và nay là Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, đã tiến hành lập quy hoạch thủy lợi cho nhiều lưu vực sông và vùng lãnh thổ lớn, nhỏ ở địa bàn các tỉnh phía Nam; Đã tiến hành nghiên cứu nhiều chương trình, đề tài khoa học-công nghệ cấp Nhà nước, cấp Bộ; Ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới trong lĩnh vực quy hoạch phát triển tài nguyên nước... Nhiều dự án quy hoạch, nhiều công trình nghiên cứu khoa học đã góp phần thiết thực cho phát triển sản xuất, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế-xã hội và an ninh quốc phòng, như Quy hoạch phòng chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2020, tầm nhìn 2050; Quy hoạch kiểm soát lũ ĐBSCL, Quy hoạch thủy lợi tổng hợp ĐBSCL, Quy hoạch hệ thống đê biển-đê cửa sông ĐBSCL, Quy hoạch tổng thể lưu vực sông Đồng Nai và vùng Phụ cận, Quy hoạch các lưu vực sông La Ngà, sông Bé, sông Sài Gòn. Gần đây, nhiều quy hoạch tổng thể thủy lợi vùng, tiểu vùng có xét đến tác động của biến đổi khí hậu nước biển dâng cũng đã được Viện thực hiện như Quy hoạch tổng thể thủy lợi ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu - nước biển dâng, Quy hoạch tổng thể thủy lợi vùng Đông Nam bộ thích ứng với biến đổi khí hậu - nước biển dâng và hiện nay Viện đang thực hiện Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Cửu Long giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

2. Công tác triển khai nghiên cứu khoa học công nghệ là một phần quan trọng trong hoạt động nhằm nâng cao năng lực, uy tín và chất lượng sản phẩm do Viện làm ra. Trong quá trình hoạt động, Viện đã chủ trì các chương trình nghiên cứu KHCN cấp Nhà nước gồm Nghiên cứu tác động môi trường ở vùng ngọt hóa Tầm Phương (1987-1989); Cân bằng nước phục vụ phát triển kinh tế-xã hội MĐNB/KC12-05 và ĐBSCL/KC12-06 (1994-1996); Nghiên cứu lập cơ sở dữ liệu thống nhất cho mô hình toán lũ ĐBSCL/KC08-07 (2002-2004); Nghiên cứu nhận dạng toàn diện về lũ, dự báo, kiểm soát và thoát lũ phục vụ yêu cầu chung sống với lũ ở ĐBSCL/KC08-14 (2003-2005); Nghiên cứu giải pháp vùng ven biên giới Việt Nam-Campuchia phục vụ ổn định an ninh-quốc phòng và phát triển kinh tế-xã hội dải biên giới ĐBSCL/KC08.08-06.10 (2006-2008); Nghiên cứu giải pháp quy hoạch vùng Đồng Tháp Mười trở thành vùng trữ nước ngọt cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu mã số BĐKH/16-20 (2016-2019). Chương trình nghiên cứu xâm nhập mặn ĐBSCL, Chương trình nghiên cứu biến đổi khí hậu và nước biển dâng,… và nhiều đề tài nghiên cứu cấp Bộ.

Những hoạt động nghiên cứu khoa học đã và đang mang lại hiệu quả cao cho mọi lĩnh vực quy hoạch và phát triển thủy lợi, phục vụ phát triển KTXH và quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

3. Cùng với công tác quy hoạch và triển khai nghiên cứu khoa học công nghệ Viện còn thực hiện các nhiệm vụ hợp tác quốc tế về quy hoạch thủy lợi, môi trường và chất lượng nước, quản lý phát triển tài nguyên nước, quản lý lưu vực sông... với nhiều nước và tổ chức quốc tế như Ban Thư ký Uỷ hội sông Mê Công, Tổ chức Phát triển Quốc tế Thụy Điển (SIDA), Công ty ESSA Canada, Công ty NEDECO Hà Lan, IFPRI Mỹ, JICA Nhật Bản, DANIDA Đan Mạch, AusAID Úc, AFD Pháp, WB, ADB, UNDP, UNIDO, UNEP, IUCN, WWF, ACIAR, IRRI... tham gia soạn thảo Luật Tài nguyên nước, Luật Thủy lợi... Những dự án quốc tế quy mô lớn cũng được Viện tham gia và hợp tác thực hiện hiệu quả như Dự án ngọt hóa Quản Lộ-Phụng Hiệp, Dự án RAS81-113 phục hồi lưới trạm thủy văn ĐBSCL, Chương trình nghiên cứu xâm nhập mặn giai đoạn I, II vùng ĐBSCL, Mạng giám sát môi trường các Tiểu Dự án thủy lợi ĐBSCL của WB, các Chương trình Sử dụng nước, Quy hoạch tổng thể, Môi trường, Kiểm soát lũ, v.v... của Ủy hội sông Mê Công... Những hoạt động trên đã được đánh giá cao về chất lượng nghiên cứu và tính thực tế.

Các dự án quy hoạch thủy lợi trong thời gian qua của Viện đã được mở rộng phạm vi nghiên cứu trên các lưu vực sông, vừa nghiên cứu rà soát lại quy hoạch các vùng theo lãnh thổ, vừa đi sâu nghiên cứu sự diễn biến và đặc điểm tự nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế của các ngành và các địa phương. Viện vừa trực tiếp thực hiện lập các dự án quy hoạch thủy lợi, vừa phối hợp và giúp đỡ các địa phương tiến hành xây dựng và quản lý quy hoạch thủy lợi và đào tạo lực lượng cán bộ địa phương về khoa học-công nghệ trong nghiên cứu đánh giá nguồn nước, dự báo nhu cầu nước, tính toán cân bằng nước, thiết kế quy hoạch sử dụng tổng hợp nguồn nước và phòng chống tác hại do nước gây ra... Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm các đề án thiết kế quy hoạch, Viện đã mở rộng sản xuất và đa dạng hoá sản phẩm, mở sang các lĩnh vực khác như: Lập các dự án đầu tư xây dựng cơ bản công trình thủy lợi; Thiết kế/thẩm định và lập tổng dự toán các công trình thủy lợi và hạ tầng cơ sở phát triển nông thôn đến cấp II và nhóm B/C; Tư vấn quy hoạch bậc thang thủy điện các dòng sông ở các tỉnh thành phía Nam; Tư vấn lập các dự án đầu tư, thiết kế và đấu thầu nhà máy thủy điện công suất lắp đặt đến 50MW trong phạm hoạt động của Viện; Tư vấn giám sát thi công công tác công trình thủy lợi đến cấp III, nhóm B&C... Các sản phẩm của Viện đã được Bộ, các ngành, các địa phương và các tổ chức quốc tế đánh giá cao về chất lượng, tiến độ và hàm lượng chất xám, nhờ đó uy tín của Viện ngày càng nâng cao. Sản phẩm của Viện sản xuất ra làm cơ sở cho các ngành kinh tế, các địa phương sử dụng và phát huy hiệu quả, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế-xã hội của đất nước.

4. Hiệu quả công tác điều tra cơ bản, khảo sát, nghiên cứu khoa học và lập quy hoạch thủy lợi do Viện thực hiện thể hiện qua một số nét chính sau: 

Điểm đóng góp nổi bật trong công tác điều tra cơ bản là Viện được Bộ giao chủ trì thực hiện dự án Khảo sát kỹ thuật sông, suối biên giới phục vụ phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia từ năm 2006 đến nay, đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Viện. Công tác phân giới cắm mốc đất liền Việt Nam - Campuchia đã tư vấn cho Ủy ban Biên giới quốc gia - Bộ Ngoại giao và Ban Chỉ đạo Phân giới cắm mốc các tỉnh trong việc phân giới trên sông suối biên giới, quy thuộc cồn bãi và đề xuất các giải pháp phòng chống sạt lở các cột mốc và sông suối biên giới; góp phần vào việc hoàn thành phân giới được khoảng 557/587km đường biên giới trên sông suối (đạt khoảng 95%) trên chiều dài khoảng 1.245 km đường biên giới; quy thuộc 105 cồn trên sông suối biên giới (trong đó quy thuộc Việt Nam 44 cồn, quy thuộc Campuchia 61 cồn)  góp phần vào việc hoàn thành 84% công tác phân giới cắm mốc trên thực địa mà Thủ tướng Chính phủ hai nước Việt Nam - Campuchia mới ký Hiệp ước bổ sung 2019 vào ngày 05/10/2019 tại Hà Nội.

Hầu hết các công trình thủy lợi vừa và nhỏ được xây dựng trong các năm qua đều được đề xuất từ những dự án thiết kế quy hoạch do Viện lập: Đề xuất biện pháp phòng chống lũ cho 2 lưu vực sông lớn là lưu vực sông Đồng Nai-Phụ cận và ĐBSCL; các hệ thống thủy nông đã được cải tạo và nâng cấp để nâng cao hiệu quả sử dụng; hàng loạt kênh mới được đào phục vụ tưới tiêu tạo điều kiện cấp nước nông thôn, làm nền dân cư, kết hợp giao thông nông thôn, thay đổi bộ mặt kinh tế xã hội vùng nông thôn ĐBSCL; và nhiều hồ chứa vừa và nhỏ ở MĐNB và vùng ven biển được xây dựng, không những phục vụ tưới, cấp nước sinh hoạt, công nghiệp mà còn tham gia bảo vệ môi trường.

Phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan đến sử dụng và khai thác tài nguyên nước, tính toán đề xuất cho các công trình liên ngành như công trình cầu, giao thông, cấp thoát nước và chất lượng nước thành phố khu công nghiệp lớn, các khu du lịch và phát triển nông nghiệp-nông thôn. Đề xuất với các tỉnh thành phố xây dựng các công trình thủy lợi nhằm phát huy hiệu quả.

Đề xuất các biện pháp công trình và phi công trình cấp thoát nước cấp bách cho các vùng cục bộ, các cụm công nghiệp, các khu du lịch, nuôi trồng thủy sản, các khu đô thị, nông thôn, dân sinh, bảo vệ đê điều, góp phần thúc đẩy sản xuất công, nông, lâm nghiệp và kinh tế nông thôn, rà soát quy hoạch tất cả các tỉnh thành phố thuộc địa bàn hoạt động, góp phần to lớn trong việc chuyển đổi mùa vụ, cơ cấu cây trồng ở ĐBSCL, MĐNB và phụ cận.

          Các sản phẩm do Viện làm ra mang tính khoa học, tính kinh tế vĩ mô, tính nhân văn đạt chất lượng cao do đó được các địa phương, các Bộ, ngành liên quan đến việc sử dụng nước rất quan tâm, làm cơ sở xây dựng hạ tầng thiết yếu nhất để nâng cao đời sống nhân dân, bảo vệ môi trường nước nói riêng và môi trường thiên nhiên nói chung. Đồng thời làm cơ sở cho các Bộ ngành và các địa phương tham khảo xây dựng chiến lược phát triển ngành và địa phương. Từ đó đã khẳng định vai trò của công tác quy hoạch thủy lợi, tạo ra cơ sở hạ tầng thiết yếu để ổn định và từng bước nâng cao đời sống vật chất của người dân, thiết lập những tiêu đề cơ bản thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hoá đất nước. Những dự án của Viện đã được đánh giá có hiệu quả kinh tế, có ý nghĩa chiến lược tạo ra nhiều địa bàn cho các địa phương phát triển kinh tế - xã hội.