Cha ông ta đã dậy rất chính xác khi nhận định về mức độ thảm hoạ do thiên tai gây ra: “nhất thủy, nhì hỏa”. Thực tế ở nước ta, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) từ bao đời nay người dân luôn phải hứng chịu các thảm hoạ do lũ lụt, xói lở đất, hạn, mặn, kiệt gây tổn thất khốc liệt cả về sinh mạng con người , phá huỷ cơ sở hạ tầng và đảo lộn sinh kế của người dân.
Thực ra thời Nguyễn và thời Pháp các hệ thống thủy lợi đâu phải chỉ có nhằm mục đích nông nghiệp mà khai hoang tạo đường giao thông thủy bộ để đưa dân cư vào là chính, vì lúc đó dân số còn it ỏi, nhu cầu lương thực đâu có nhiều đến nỗi phải dẫn thủy nhập điền để trồng lúa ở ĐBSCL cung cấp cho cả nước như sau này. Các hệ thống thủy lợi lúc đó, thực sự là các hệ thống tổng hợp cho phát triển kinh tế xã hội, bao gồm cả giao thông thủy bộ, các cụm dân cư, sản xuất nông nghiệp thủy sản cây ăn quả… Sau này, chỉ nhìn ĐBSCL như cái vựa lúa rồi định hướng thủy lợi chỉ cho nông nghiệp trồng lúa là chính làm lu mờ các nhiệm vụ khác đi.
Từ đó suy ra, thì công trình thủy lợi không phải là cái đích (cứu cánh) mà là phương tiện để đạt tới cứu cánh. Mà cứu cánh là gì? Tôi nghĩ là để phục vụ cho sự phát triển bền vững, dựa theo tinh thần của Nghị quyết 120 của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2017.
Thời gian gần đây, Việt Nam khi làm quy hoạch tổng thể vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thường nhắc đến quy hoạch phải bám sát các quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 120-CP của Chính phủ, trong đó đặc biệt chú ý đến việc tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp với điều kiện thực tế, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên; chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững, giúp tôi nhớ lại một số kỷ niệm về làm quy hoạch thuỷ lợi ở ĐBSCL.
Kỷ niệm thứ nhất là cuối năm 1993, khi về nước dự hội thảo :”Quản lý đất ngập nước lưu vực sông Mê Công” nhiều nhà khoa học bức xúc kể cho tôi nghe về ách tắc đã lâu trong khâu phê duyệt công nhận Tràm Chim ở tỉnh Đồng Tháp là khu bảo tồn thiên nhiên, đã gây nên rất nhiều khó khăn, trở ngại trong việc quản lý khu vực này.
Thực ra, ở Tràm Chim đây không chỉ có “tràm” và không chỉ có “chim”, nhưng vì đó là hai loại sinh vật tiêu biểu cho vùng đất nên đã được dùng để cho dễ gọi, dễ nhớ! Mà quả thật, chỉ lần đầu qua đây, tôi đã không thể quên vẻ đẹp hoang sơ đến kỳ diệu của Tràm Chim. Chiều xuống, mặt trời khuất phía biên giới xa xa, trên nền đỏ tía của chân trời nổi bật những mảng đen xẫm của rừng tràm như những nét cắt vội vàng đầy ngẫu hứng của một họa sĩ. Trên cái nền của bức tranh đó bỗng nổi lên râm ran tiếng kêu của hàng trăm, hàng ngàn con chim. Dưới nắng chiều đang lụi nhanh, trên những thảm cỏ năng ven kênh, từng đôi ba con sếu đang thong thả trình diễn điệu múa gọi bạn độc đáo. Những con sếu cái thu mình, vươn cao cái cổ kênh kiệu và những chú sếu đực vừa giang rộng đôi cánh, vừa đảo đôi chân xung quanh “người tình”. Người ta nói những khi “tình tự” chỉ có sếu đực là vỗ cánh, đôi cánh mạnh mẽ, hào hiệp và duyên dáng vô cùng.
Sếu đầu đỏ ở Tràm Chim
Bức tranh thiên nhiên ấy chỉ là bề nổi của một vùng đất ngập nước có một hệ sinh vật phong phú gồm 130 loài thực vật khác nhau, là nơi cư ngụ của trên 100 loài động vật có xương sống, 40 loài cá, 147 loài chim nước, trong đó có 13 loài chim quý hiếm, đặc biệt là “sếu cổ trụi” là loại được quốc tế đưa vào “sách đỏ” cần đặc biệt bảo vệ.
Vùng đất này đang là nơi làm ăn sinh sống của hàng nghìn nông dân, là địa bàn có truyền thống lịch sử về cách mạng vẻ vang gắn với cái tên Đồng Tháp Mười mà biết bao người trong chúng ta hằng mong được một lần đi tới. Vùng đất ấy đã từng bị lãng quên, và bây giờ nếu không nhanh tay thì cái bức tranh thiên nhiên đẹp đẽ với cây tràm, con sếu sẽ không còn nữa, sẽ chỉ còn ruộng lúa bên những gốc tràm cháy xém và muỗi độc mà thôi!
Sau khi đi khảo sát thực địa, tiếp xúc với người dân địa phương và các cán bộ quản lý, tôi quyết định sử dụng phương tiện thông tin đại chúng để góp phần kêu cứu cho Tràm Chim qua bài báo: ”Lại nói về Tràm Chim”. Ngay sau khi bài báo ra đời, Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp Nguyễn Quang Hà lúc đó đã quan tâm trực tiếp chỉ đạo giải quyết ngay các thủ tục để công nhận Tràm Chim là khu bảo tồn thiên nhiên.
Quyết định sáng suốt nói trên của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, đến nay có dịp chiêm nghiệm lại khu bảo tồn Tràm Chim càng thấy ý nghĩa Đồng Tháp Mười không chỉ có “đẹp nhất hoa sen” mà còn đẹp mãi và giầu có nữa vì có những Tràm Chim huyền bí và thơ mộng.
Kỷ niệm thứ hai trong cuộc đời làm quy hoạch của tôi là bài học làm quy hoạch thuỷ lợi phải có tư duy hệ thống và xây dựng công trình phải đồng bộ vì khi con người tác động vào tự nhiên bao giờ cũng có được và mất, cho nên phải làm sao chứng minh cái được là lớn nhất và cái mất là ít nhất và có các giải pháp giảm thiểu các tác động bất lợi.
Tôi nhớ, có lần ông Võ Văn Kiệt phone trực tiếp cho tôi hỏi ý kiến về việc đề xuất di chuyển quy hoạch cống ở Trắc Băng đến vị trí mới là cống và âu thuyền ở Tắc Thủ? Tôi trả lời ngay là không được và sẽ minh chứng các bất cập qua bài toán thuỷ lực. Ông Kiệt nhắn tôi đến gặp, thảo luận ở 16 Tú Xương cho biết đây là đề xuất của nhóm chuyên gia tư vấn: giáo sư viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, GS Nguyễn Sinh Huy, PGS Hồ Chín Phân viện trưởng Phân viện Địa lý thuộc Viện Hàn lâm khoa hoc Việt Nam. Sau đó, ông Kiệt còn mời tôi ra Văn phòng Chính phủ toạ đàm riêng với ông Võ Văn Kiệt, ông Nguyễn Tấn Dũng và trợ lý Vũ Đức Đam.
Ông Võ Văn Kiệt đang thảo luận chiến lược phát triển tài nguyên nước ở ĐBSCL với Ủy viên Bộ Chính trị Trương Tấn Sang (ngồi giữa) và tác giả bài viết này Tô Văn Trường.
Trong buổi làm việc hôm ấy, tôi nhớ ngoài việc góp ý với Chính phủ nếu muốn lấy lại 40 nghìn ha rừng tràm của công ty Kiên Tài để phục vụ quy hoạch thoát lũ ở Tứ giác Long Xuyên thì phải đền bù theo luật pháp đã cam kết với chủ đầu tư để giữ chữ tín. Riêng việc đầu tư cống âu thuyền Tắc Thủ, tôi khẳng định không nên làm vì đầu tư không đồng bộ, không hiệu quả do mặn vẫn tập hậu theo đường Biển Nhị và Xẻo Rô. Sau đó, Chính phủ tổ chức hội thảo ở TP.Hồ Chí Minh, khi phát biểu, tôi vẫn bảo lưu quan điểm của mình.
Thời ấy, do Chính phủ còn thừa 5 triệu đô la Mỹ từ dự án ODA về công trình đường thuỷ nên quyết định vẫn đầu tư xây dựng cống âu Tắc Thủ. Hậu quả, hơn chục năm sau công trình nói trên vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt” lãng phí, không tác dụng, đúng như tôi đã cảnh báo từ trước.
Đất nước ta đang chuẩn bị đón mừng năm mới với nhiều gian khó, thời cơ, thử thách và cơ hội vươn ra biển lớn, càng đòi hỏi những người có trách nhiệm quản lý điều hành đất nước và bộ phận tham mưu có tầm nhìn xa, trông rộng, rút ra những bài học từ thực tế để xây dựng quy hoạch tổng thể vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng tích hợp, phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu, lún sụt, nước biển dâng và các tác động khai thác tài nguyên nước của con người trong lưu vực sông Mekong.
TS. Tô Văn Trường
Nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam