(Mard - 23/12/2016) Sáng ngày 23/12/2016, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác chỉ đạo điều hành của Bộ năm 2016. Tham dự hội nghị có lãnh đạo Bộ, các Tổng cục, Cục, Vụ và đơn vị quản lý thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT. Hội nghị do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chủ trì.
Khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định, năm 2016, ngành nông nghiệp đã đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là biến đổi khí hậu, thời tiết phức tạp, băng giá, rét hại, mưa lũ ở khu vực phía Bắc. Hạn hán và xâm nhập mặn diễn ra nghiêm trọng tại khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long; mưa lớn, lũ lụt ở các tỉnh miền Trung và sự cố môi trường ở 4 tỉnh miền Trung đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân.
Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các địa phương tập trung khắc phục, vượt qua nhiều khó khăn, ổn định sản xuất. Nhiều chỉ tiêu đặt ra đã đạt kết quả tốt, trong đó ngành đã duy trì được sự tăng trưởng 1,2%. Mặc dù thị trường còn có nhiều khó khăn, nhưng xuất khẩu năm 2016 có dấu hiệu khởi sắc, trong đó có nhiều mặt hàng xuất khẩu đạt giá trị trên 1 tỷ USD. Bộ trưởng khẳng định đây là kết quả của sự nỗ lực cao của Bộ, các địa phương và bà con nông ngư dân trong cả nước.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong lĩnh vực trồng trọt, năng suất của hầu hết các cây trồng chủ lực tăng mạnh, chất lượng được cải thiện đáng kể; cơ cấu cây trồng đã có sự chuyển đổi rõ nét tại nhiều vùng và địa phương trong bối cảnh biến đổi khí hậu và cạnh tranh gay gắt trên trên thị trường thế giới. Đồng thời, ngành chăn nuôi đã có sự chuyển biến về tổ chức sản xuất, chuyển mạnh sang chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2015 đạt 40,8% và ước đạt trên 41% vào cuối năm 2016. Trong lĩnh vực thủy sản, nuôi trồng thủy sản đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, tập trung phát triển các đối tượng nuôi chủ lực như tôm nước lợ, cá tra, nhuyễn thể với các biện pháp thâm canh cao và duy trì phát triển tốt. Các công đoạn sản xuất giống, tổ chức sản xuất, chế biến phát triển hai sản phẩm chủ lực là tôm nước lợ và cá tra đã được ứng dụng công nghệ cao, tiếp cận với trình độ của thế giới. Ước kết quả sản xuất năm 2016, tổng sản lượng thủy sản tăng 2% so với năm 2015, trong đó sản lượng khai thác thủy sản tăng 1,65% và nuôi trồng thủy sản tăng 1,84%. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 7 tỷ USD.
Ngoài ra, đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” đang được triển khai đã tạo được sự chuyển biến trong nhận thức từ trung ương đến địa phương. Cơ cấu các ngành sản xuát được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương và cả nước, gắn với thị trường. Cơ cấu ngành hàng, sản phẩm năm 2016 đã thể hiện khá rõ nét xu hướng tái cơ cấu tăng tỷ trọng các ngành, sản phẩm có lợi thế và thị trường. Các hình thức tổ chức sản xuất bước đầu được đổi mới theo hướng hợp tác, liên kết, sản xuất hàng hóa theo chuỗi. Những kết quả của Chương trinh mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015 đã góp phần thay đổi rõ nét bộ mặt nhiều vùng nông thôn, đặc biệt các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, tăng hưởng thụ trực tiếp cho cư dân nông thôn.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến phát biểu đã đề cập đến công tác chỉ đạo điều hành vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, cần phải đúc rút nhiều bài học kinh nghiệm để nỗ lực phấn đấu cho năm 2017. Đánh giá những tồn tại, hạn chế, báo cáo của Bộ đã nhận định, việc triển khai thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành chưa đồng bộ, đồng đều, còn nhiều địa phương còn lúng túng trong triển khai. Sản xuất quy mô nhỏ lẻ còn phổ biến dẫn đến khó áp dụng công nghệ cao và kiểm soát an toàn thực phẩm. Tăng trưởng ngành còn thấp và chưa bền vững. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất còn chậm, hoạt động của các hợp tác xã còn nhiều lúng túng, kinh tế hộ gia đình vẫn chiếm tỷ trọng cao. Hoạt động nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ của các tổ chức nhà nước chưa đạt hiệu quả cao. Sự tham gia của doanh nghiệp trong công tác nghiên cứu khoa học còn hạn chế. Tái cơ cấu đầu tư công mới chủ yếu thực hiện đối với nguồn ngân sách tập trung do Bộ quản lý, trong khi ở các địa phương và trong toàn ngành chưa thể hiện rõ nét. Công tác cải cách hành chính chuyển biến còn chậm, chưa thực sự hiệu quả.
Năm 2017 là năm thứ hai thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 - 2020. Toàn ngành tập trung thực hiện quyết liệt tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới. Một số mục tiêu chủ yếu năm 2017 là đạt tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản từ 2,5 - 2,8%; Tốc độ tăng giá trị sản xuất của ngành từ 2,8 - 3,1%; Kim ngạch xuất khẩu đạt 31,5 tỷ USD; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,45% và tỷ lệ xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới từ 28 - 30%.
Để thực hiện mục tiêu năm 2017, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đề 9 giải pháp bao gồm:
1. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức;Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, từ những bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo điều hành năm 2016, để đạt mục tiêu đặt ra trong năm 2017, các cơ quan quản lý của Bộ cần quyết liệt trong chỉ đạo theo tinh thần chủ động, sáng tạo và nâng cao tinh thần trách nhiệm. (Tinh thần 8 chữ: Chủ động, sáng tạo, quyết liệt và trách nhiệm.)
2. Hoàn thiện và triển khai quy hoạch phát triển ngành;
3. Cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý ngành;
4. Phát triển thị trường tiêu thụ nông sản;
5. Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả;
6. Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng KHCN;
7. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm;
8. Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; và
9. Tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế.
1. Các bộ luật quan trọng trình Quốc hội trong năm 2017 cần được chuẩn bị tốt và trình đúng hạn.
2. Tiếp tục chỉ đạo quyết liệt thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung theo 3 nhóm sản phẩm: sản phẩm quốc gia, sản phẩm cấp tỉnh và sản phẩm theo vùng sinh thái.
3. Triển khai Chương trình nông thôn mới cần gắn với thực hiện tái cơ cấu để thúc đẩy sản xuất.
4. Đối với công tác an toàn thực phẩm, đẩy mạnh áp dụng công nghệ cao và tổ chức sản xuất theo chuỗi.
5. Tăng cường phối hợp với các địa phương trong công tác thanh tra, kiểm tra. Hoàn thiện mạng lưới quản lý chất lượng ở địa phương.
6. Hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh xã hội hóa trên cơ sở kiểm tra, giám sát thông qua quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn.
7. Trong năm 2017, cần tăng cường công tác thanh tra công vụ, có trọng điểm nhất là nhóm vật tư đầu vào. Tập trung thực hiện các nhóm giải pháp đã đề ra, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu kế hoạch 2017.