Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã chia sẻ 3 câu chuyện thực tiễn rất ý nghĩa, qua đó gợi mở những tư duy mới trong phát triển thủy lợi tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tại buổi làm việc với Tổng cục Thủy lợi vào sáng 26/2. Ảnh: Minh Phúc.
Câu chuyện thứ nhất, khi đồng chí Vương Đình Huệ còn làm Phó Thủ tướng Chính phủ, một dịp về công tác tại Đồng Tháp, ông muốn tận mắt chứng kiến hệ thống điều khiển bơm tưới nước từ xa thông qua điện thoại di động của TS. Nguyễn Thanh Mỹ tại huyện Tháp Mười.
Lúc ra đến điểm trình diễn, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp lúc ấy là ông Lê Minh Hoan gọi điện thoại cho TS. Mỹ, thì ông đang ở Singapore.
“Vậy phải làm sao để Phó Thủ tướng có thể xem công nghệ điều kiển bơm nước từ xa được?”, ông Hoan hỏi. TS. Nguyễn Thanh Mỹ cười và bảo: “Đơn giản lắm! Tôi ở bất kỳ đâu trên thế giới cũng có thể điều khiển được, 30 giây sau lãnh đạo Chính phủ sẽ nhìn thấy nước chảy vào ruộng của bà con”. Và đúng như lời ông nói, 30 giây sau thì nước bắt đầu vào ruộng với đúng lưu lượng do ông Mỹ cài đặt.
TS. Nguyễn Thanh Mỹ - Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan, người ứng dụng thành công công nghệ điều khiển tưới tiêu từ xa. Ảnh: Diễn đàn Doanh nghiệp.
Ông Mỹ có vợ quê ở huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, bởi vậy ông cũng đã làm một mô hình thí điểm tương tự như Tháp Mười ở đó. Ngày ngày, ông vẫn điều khiển tưới tiêu ruộng ở Thái Bình từ ngôi nhà của mình mãi tận Đồng Tháp qua điện thoại di động.
Câu chuyện thứ hai, vẫn liên quan đến Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan Nguyễn Thanh Mỹ. Ông sở hữu một khu đất rộng 12ha tại tỉnh Trà Vinh trồng xoài, cam, quýt...
Đợt hạn mặn lịch sử năm 2016 khiến cả vùng canh tác nông nghiệp chao đảo hết. TS. Nguyễn Thanh Mỹ suy nghĩ: Cái gì cũng phải có giải pháp của nó, một ngày 24 giờ, sẽ có thời điểm nào đó nước trên thượng nguồn về nhiều, và khi nước biển dâng lên chậm, hai nguồn nước ngọt và mặn sẽ hòa vào nhau. Lúc đó độ mặn của nước sẽ giảm xuống mức cho phép để đưa vào tưới tiêu.
Do đó, ông đã sáng kiến ra hệ thống quan trắc tự động trên sông ở Trà Vinh. Bất kể thời điểm nào, khi chất lượng nước đảm bảo tưới tiêu, hệ thống máy bơm sẽ tự động bơm vào vườn 12ha của ông với một dung tích đã cài đặt sẵn. Khi đủ lưu lượng nước thì máy bơm sẽ tự ngắt.
Sau khi kể hai câu chuyện trên tại buổi làm việc với Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) vào sáng 26/2, Thứ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, công tác thủy lợi nói chung phải được đặt trong hoàn cảnh của cuộc cách mạng 4.0.
Mặc dù chúng ta đã xây dựng được một hệ thống quan trắc theo thời gian thực với hơn 40 hồ chứa thủy lợi, nhưng để tiệm cận được một lĩnh vực thủy lợi thông minh, phục vụ nền nông nghiệp thông minh thì còn rất nhiều câu chuyện phải làm.
“Ông Nguyễn Thanh Mỹ nói với tôi rằng mọi chuyện đều có giải pháp, vấn đề là chúng ta có chịu tìm giải pháp hay chúng ta vẫn chấp nhận ở thực trạng như vậy?”, ông Hoan kể và chia sẻ tiếp câu chuyện thứ ba:
“Khi tôi còn làm việc ở tỉnh Đồng Tháp, có một số chuyên gia của Israel sang trao đổi một số dự án. Tôi ngồi than rằng bây giờ một số đập thủy điện thượng nguồn sông Mê Kông giữ nước vào mùa khô, nên nước về ĐBSCL ít quá.
Hai Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan và Nguyễn Hoàng Hiệp và đại diện các cục, vụ của Bộ NN-PTNT làm việc tại Tổng cục Thủy lợi vào sáng 26/2. Ảnh: Minh Phúc.
Mấy ông người Israel mới hỏi lại tôi rằng: “Ông thấy nguồn nước của ĐBSCL ít hay ở Israel ít?” Họ chia sẻ, riêng đất nước Israel chỉ có dòng sông Jordan thôi, còn lại là sa mạc. Bởi vậy, một giọt nước tự nhiên của Isarel phải sử dụng đến 3 lần, lần thứ nhất là chúng ta uống vào rồi thải ra, lần thứ hai là để nước thải lắng đọng và lọc rồi tưới cho rau ăn sống, sau đó lại lấy nước thải từ quá trình sản xuất rau ăn sống để tưới cho các loại rau nấu chín".
Ông Lê Minh Hoan cho rằng, chúng ta phải thay đổi tư duy về làm thủy lợi. Nghị quyết 120 về Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu đã xác định rõ, cần chuyển đổi cây lúa là cây sử dụng nhiều nước sang các loại cây trồng sử dụng ít nước.
Do đó, Tổng cục Thủy lợi cần phối hợp với các viện, trường để nghiên cứu vấn đề sử dụng nước đối với các loại cây trồng, vật nuôi của Việt Nam.
Thời đại hiện nay, các chuyên gia ở các nước phát triển thường nhắc tới bối cảnh “VUCA” (Volatiliti – Uncertainty – Complexity – Ambiguity), nghĩa là "biến động, bất định, phức tạp và mơ hồ". Biến đổi khí hậu hay dịch bệnh làm cho ta không biết tương lai sẽ đi về đâu, rất phức tạp.
Tuy nhiên, với sự phát triển của cuộc cách mạng 4.0, con người có thể biến điều không thể thành có thể. Và người ta đã tạo ra được sự mới mẻ.
Đặc biệt, Thứ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, “chúng ta hay lẫn lộn giữa kế hoạch và chiến lược”. Chiến lược là tầm nhìn đặt trong bối cảnh mà thực tiễn đã thay đổi hết rồi. Như câu chuyện dòng Mê Kông từ Vân Nam (Trung Quốc) đến Châu Đốc (An Giang, Việt Nam) có rất nhiều đập ngăn. Các quốc gia Thái Lan và Campuchia đều có các kế hoạch chuyển nước từ sông Mê Kông để mở rộng sản xuất một số vùng khô hạn.
Chúng ta không thể ngồi chờ vào các kết quả hợp tác quốc tế để đảm bảo nguồn nước luôn được duy trì theo mong muốn. Do đó, cần phải chuyển từ tư duy kế hoạch sang tư duy chiến lược. Quản trị chính là tầm nhìn chiến lược, làm thế nào để tối đa hóa mục tiêu nhưng tối thiểu hóa chi phí.
Muốn làm được điều đó, cần phải có một chiến lược thực sự cụ thể về khoa học thủy lợi và khoa học về nước, chứ không chỉ đối phó hạn mặn mùa vụ nữa, và để nông dân thắc thỏm từng mùa vụ.
“Vừa rồi, tôi cũng đi một số công trình thuỷ lợi, nhất là hệ thống Cái Lớn – Cái Bé. Như Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đã nói, chúng ta phải tích hợp được cả phần cứng và phần mềm. Cầu, cống, đập chứa đã có rồi, nhưng hệ thống vận hành, hệ thống quản trị đều phải thông suốt từ cấp cao nhất đến cấp thấp nhất là cộng đồng dân cư, làm sao đừng để lãng phí nguồn nhân lực. Với sự hỗ trợ của nền tảng Big Data thì cái gì chúng ta cũng làm được”, Thứ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.
Minh Phúc